26


Tôi Nhớ Huế


THUẬT LẠI MỘT CHUYẾN ĐI SĂN ĐỒ CỔ Ở HUẾ. ĐI TÌM TÔ TẾ KHÍ ĐẶNG HUY TRỨ, CHẾ TẠO NĂM MẬU THÌN ĐỜI TỰ ĐỨC (1868)

A. Mấy lời biện minh trước khi vào đề.

1. Đồ cổ xứ Huế, tôi mua khá nhiều và mua hoài vẫn còn. Thuật chuyện lại không bao giờ hết. Nay xin đơn cử một cổ vật tôi mua để chấm dứt tật ghiền đồ cổ: các bạn lấy đó làm gương cũng đủ. Không chơi thì miễn luận, chớ bước vào nghề chơi đồ sứ cổ, không khác ôm bịnh ghiền nha phiến: không hút thì khó chịu bứt rứt; tôi cũng vậy, không mua đồ cổ cũng bứt rứt khó chịu y như ghiền chị phù dung. Tôi đã suy nghĩ nhiều trước khi mua cái tô nầy, gọi tô Đặng Huy Trứ.


2. Bình sinh tôi mê thích đồ xưa còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài. Mua được một món lạ, tôi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng Quốc Chí, người ta mau chán ngán.
Chỉ riêng tôi, với món đồ mới sắm, tôi có thể mân mê suốt ngày, không ăn cũng đủ no. Nói không sợ ai cười, tôi có thể trở nên một thằng điên khúc khích mình cười chuyện một mình, rồi tôi sung sướng khoan khoái trong lòng, khi ấy tự mình thấy trẻ trung, nhỏ xuống mấy tuổi, vì lẽ ấy không trách vì sao tôi cứ mua đồ xưa. Vả chăng quan niệm “sống” là gì? Mỗi người hiểu mỗi khác. Chung qui phải có vui mới đáng sống. Có kẻ muốn được sống nhẹ nhàng lành mạnh, phải cần đánh bạc đến thua sạch túi, cần mua rượu về uống cho thật say, còn những người cần cho gái nhiều tiền, tôi sợ nên không dám nói. Vì suy nghĩ làm vậy, nên tôi đành cứ việc mua đồ cổ.

3. Tiền mua đồ cổ, dẫu tốn bao nhiêu, tôi không sợ. Tìm cho ra manh mối một nước men đồ sứ cổ, tìm cho được một lời đáp đúng của một bài toán khó, sửa một chiếc xe nằm vạ làm cho xe chạy bon bon, đem thằng con sa ngã vào đường ngay, một tỷ dụ nầy tôi không dám nhấn mạnh, nhưng cứ nói ra đây còn bàng quan phán đoán, mở nẻo cho một gái ăn sương bỏ nghề, cứu vớt một món đồ cổ ra khỏi chốn vô danh, mấy cái khoái ấy như nhau, khác nào ông tướng xuất binh, giờ chót mới hô thắng trận, nỗi mừng càng lớn.

Ở đời thấy nên mà ra hư, và đã thấy hư bỗng lại hoá nên. Có con làm tá, làm ông quận nầy quan kia, là con nên. Đùng một cái, tá đi cải tạo, quan đi học tập, quận đi hốt phân, nhà cửa bị tịch, cái hư từ ngoài cổng hư vô. Tôi nói “đa thọ tất đa nhục”, bạn tôi, ông Vi Huyền Đắc, ra Bắc chết năm ngoái, cãi lại là “đa nghiệp” chớ chưa phải đa nhục. Tôi nói: “Đa nam tất đa ưu”, ông không trả lời và hẹn sẽ gặp nhau dưới ấy. Trở lại cái tô xưa, tôi đã trút cạn nỗi lòng là để cầu người tri kỷ ban cho một tiếng: “Ừ! Anh nói cái đó, tôi nghe được, có lý lẽ vững”. Nghe được bao nhiêu đó sá chi kẻ ngoài cuộc cười chê là gàn. Tóm lại, sở dĩ tôi cạn bày ý nghĩ vụng về là muốn được người có mắt xanh chú ý đến ba cái đồ cổ đang lạc loài nó đang bị nạn như mình, nếu không lo cứu vớt tự bây giờ thì một ngày kia hối tiếc e không kịp.

4. Đời đang chuyển mình, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, những chuyện phiếm đáng nên gác bỏ. Nhưng đây là một sự tìm tòi đánh dấu một bước đi chập chững, chậm lụt của khoa nghiên cứu đồ sứ men lam xứ Huế, tôi không hư và chỉ muốn nên. Tài liệu có trước mắt, thiết tưởng nên xuất ra một số tiền để mua cái tô rồi sẽ hay. Phải khai thác nó khi còn bốc hơi còn nóng chờ đến mai, rủi có sự gì xảy đến, cái tô nát đi hay thất lạc rồi, khi ấy có bao nhiêu tiền cũng vô ích, có bao nhiêu nhơn tài và thiện chí cũng trễ mất, người ta làm lớn lo việc đại sự, mình ở trong kẹt ra công lượm mót đồ xưa để bảo tồn cái gì đáng gọi là quốc tuý quốc hồn, nên hay hư, xin hỏi.
B. Kể lại sự tích một chuyên di săn một cái tô xưa
Dùng để chấm dứt một thiên khảo cứu hay nói một cách khách tự mình kể nỗi gàn ương của mình, của một nhà chơi cồ ngoạn “già kén chẹn hom”.

Từ năm 1965 đến năm 1967, mỗi năm tôi đều có dịp ra Huế bốn kỳ, mỗi kỳ tôi ở lại Huế đô suốt tuần có khi đến mươi bữa, tiếng rằng đi dạy học, kỳ trung tôi thừa dịp nầy để thoả thích tánh ham đi săn cổ ngoạn. Tiền tôi lãnh được bao nhiêu ở Đại học Văn khoa, tôi đều cúng trum vào đó. Có khi không đủ còn lén châm thêm liền nhà. Đừng nói lớn, vợ con nghe, nhưng tôi không tiếc. Mua được thì mừng vui, không mua được thì bứt rứt xốn xang, nên thà mua như ai kia mua sâm nhung, hoặc thuốc an thần. Tôi có thể kể ra đây, đóng thành tập sách dày những món quý đã mua được trong mấy kỳ ra Huế, nhưng trong buổi nầy ai còn đầu óc rảnh rang để nghe mình thuật chuyện trồng xoài, vậy để tôi lựa nhón và đơn cử ra một thí dụ nhỏ, đó là chuyện cái tô chế tạo năm Mậu Thìn (1868) đời vua Tự Đức, cũng gọi tô Đặng Huy Trứ.


***
 

Thứ ba 5 tháng 10 năm 1965 Ra Huế, ghé nhà ông Khoá Ổi trong Thành Nội. Gặp cái tô nầy lần thứ nhứt. Mãi đến 31 tháng 3 dương lịch 1968, tức trên hai năm trường tôi mới mua tô được.
Mà sự mua chác nầy, theo tôi là do một tiền định, một duyên kiếp, một phần may rất lớn, tuỳ người ngoài hơn là tuỳ ở nơi tôi.
Khoá Ổi lấy cái tô ra cho tôi xem. Ông ra giá sáu ngàn đồng (6000S00). Tôi chê mắc, nhưng không nói, và tôi chê thầm nước men còn mới quá. Lại nữa, mấy lúc gần đây, tôi xét lại tôi mua đã nhiều, nên tốp bớt và nên dành tiền dùng khi bóng xế về chiều không lột da sống đời và cũng không chắc sống thêm bao lâu nữa hòng tham lam chất chứa của nợ. Con gà ăn no thì bươi; người chơi đồ cổ đã nhiều thì hay kén chọn. Tôi trả bốn ngàn. Khoá Ổi bao giờ chịu bán... Tôi ra về, mà lòng nửa tiếc, nửa làm gan: cắn răng thi đua, xem ông bán trước hay tôi mua trước.
Thứ bảy 16 tháng 10 năm I965 - Về Sài Gòn nhớ tới cái tô, khó chịu. Viết thơ cho một bạn lão thành cố tri là ông ấm Tư, cậy bạn hỏi thăm dò xét về cái tô, điều tra lý lịch... Trong thơ tôi nhấn mạnh: “Tô đẹp thì có đẹp, nhưng tựa hồ còn mới, ấm huynh là người cao kiến, xin xem lại kỹ giùm”.

Thứ năm 4 tháng 11 năm 1965 - Được thơ cụ Ấm trả lời.
Từ bữa được thơ không ngày nào tôi không nhớ cái tô, nhớ và bứt rứt, giận lấy mình sao không mua quách, từ đó tôi trở nên quạu quọ trong nhà không ai chịu nổi. Tôi vừa ăn năn vừa hối tiếc nhưng làm gan cố lỳ, cố lỳ rồi quạu. Sở dĩ tôi không mua với giá 6000 đồng, vì theo tôi: 1) Giá 4000 là vừa; 2) Nếu mua cao hơn không khác nào bắc cầu cho lão Ổi, sau nầy vịn theo đó và leo thang mãi thì ai chịu được; 3) Lại nữa nếu mua giá 6000, lại e cụ Ấm khi hay tin nầy sẽ phiền chăng. Rồi sau nầy, nếu ra Huế, còậii làm bạn với mình trong những buổi đi săn cổ vật. Còn đang phân vân bất nhứt, đấu trí với một người bán đồ cổ bản lĩnh cao, trong cuộc thi đua, tôi cũng cố lý, cho nên mấy tháng sau, nhiều dịp ra Huế, tôi đều đến chào Khoá Ổi, không khác chàng rể ra mắt ông bô mà chưa nhứt định rước “bô-tê” kia đem về. Không thấy Khoá Ổi bớt giá, tôi cứng đầu cũng không ưng trả thêm, cũng vì một chút ỷ y, nhấm không ai biết nhà Khoá Ổi, có tô cổ quý mà đến mua giành. Bỗng một kỳ nọ ra Huế, nghe tin sét đánh: bác sĩ Hà, bạn thân của cụ Ấm và của tôi, mách rằng có con cháu gái Khoá Ổi đến khám bịnh, cho hay cái tô, dường như đã bán về tay một người Pháp chơi đồ cổ, làm chức đại diện (délégué ) gì đó, ông nầy từ Đà Nẵng được một người dẫn mối đến mua và Khoá Ổi đã bán rồi. Giá sáu ngàn đồng không bớt một xu. Nghe tin nầy rồi, đầu xây bồ bồ, choáng váng mặt mày y như lúc bị chúng giựt mất vợ đẹp. Không dám lại nhà Khoá Ổi nữa, trong bụng tức giận mà không biết giận ai. Trông mau về Sài Gòn để gởi thơ cho cụ Ấm nhờ dò lại đích xác xem có quả Khoá Ổi đã bán cái tô thật hay không, hay đây là một tin bịa để thúc hối mình sớm mua. Vài ngày sau quả tôi nuôi hy vọng trở lại, vì thơ trả lời cụ Ấm nói “Khoá Ổi trả lời với cụ, rằng lô kia còn đó chưa bán cho ai”. Được tin như vậy, mừng khấp khởi, tôi vui lại như cũ và rất trông mau mau tới kỳ ra Huế để xem cho hản sự tình.

Thứ ba 4 tháng giêng năm 1966 - Tôi ra Huế dạy được hai ngày.
Bữa nay náo nức trong lòng không thể chịu được, trưa ăn cơm hối hả, bỏ giấc ngủ ngày, gọi xe kéo tuốt lại nhà Khoá Ổi để mau nhìn mặt cái tô Nhưng khi đến nơi, lão Ổi tỉnh bơ, không đả động gì đến chuyện cái tô, lại còn mở tủ bí mật lôi ra hết món nầy đến món khác, làm tuồng như dỗ trẻ con, hãy quên cái tô đi, đây nầy thiếu gì đồ chơi, không thiếu gì đồ cổ quý và đẹp bằng mười bằng trăm cái tô kia vậy. Thật lão già nầy cầm mình không hơn đứa bé lên ba, hễ khóc thì lấy bánh ra nhem là nín. Kỳ trung cái tô không còn trong nhà nầy nữa, nếu còn thì lão đã lấy ra rồi. Mà nói cho ngay, sự cám dỗ nầy ghê gớm thật. Đồ xưa tại nhà lão, món nào cũng hấp dẫn, vừa thấy là mê ngay. Mỗi lần lão đưa ra một món, là lòng tôi rung lên, mí mắt chớp lia, nhưng tôi cố dằn, một một hai hai đòi thấy cho được cái tô nọ. Sau rốt biết mình bị gạt mớp, không dằn được nữa, tôi xổ hết nư giận, nói thẳngg vài lời từ giã, cho lão Khoá Ổi biết: tô đã bán mà còn đong đưa không nói thật, như vậy là thiếu chữ tín, ăn ở không thật tình, và tự hậu đừng trông mong tôi trở lại cũng không còn muốn mua chác giao thiệp gì với ông. Giận rồi. Tuy sức trói gà không chặt mà nư giận cũng lớn khá. Giận đến muốn chừa, bỏ tật mua đồ cổ cho khỏe thân, và xem có chết ai. Trong tập nhựt ký, nay lấy ra đọc lại, thấy ghi: Tháng giêng 1966, một thất vọng chua chát là mua hụt tô nhà Khoá Ổi có chữ đề “Đông mạch tụ cô tùng”. Nghe đâu tô đã lọt về tay một người Pháp ở Đà Nẵng, y mua với giá 6000 đồng của Khoá Ổi đã đành. Tuy biết mua hụt thì tức và uổng, nhưng đã trễ rồi. Khác nào bị giựt vợ!

Tháng 8 dương lịch 1966, hay tin buồn. Khoá Ổi đã đi bán đồ xưa dưới địa phủ, không ép được tôi mua cái tô theo giá ông định, ngã lòng và thất bại, ông ra đi không trống không kèn, bỏ tôi lại đây bơ vơ mà nào có vui, vì bị chúng hớt tay trên một món thích, vì tánh chần chờ nên lỡ mất cơ hội tốt. Tôi không còn hờn giận ông nữa và xét cho kỹ, lại có chỗ thương tình. Đã buồn sẵn nay lại buồn thêm, nhớ tiếc cái tô hơn lúc nào cả, vì con cá sẩy là con cá lớn. Nhớ giọng Khoá Ổi ngâm câu “Đông mạch tụ cô tùng”, lây cho mình chứng bịnh tiếc nhớ hão. Tự trách hà tiện làm chi năm sáu ngàn bạc, để nay phải khổ tâm sầu nát. Chưa dứt được tánh phàm, lòng dục vọng làm khổ con người không nhỏ. Dứt khoát được sớm chừng nào, là rảnh nợ đời và khỏi đi tu chùa. Lý luận cho đã rồi nai lưng kệch chạy đi tìm tông tích cái tô hòng mua vớt lại như vậy mới phải là cái thú chơi cổ ngoạn. Nghe tin một người Pháp ở Đà Nẵng mua được cái tô, không nhịn được, hèn viết thơ ngay ra Đà Nẵng, gởi khống nguyền cho ông đại diện lãnh sự Lang-sa vì căn cứ theo lời người mách, chữ delegué rộng nghĩa quá, biết đó là ông đại diện, nhưng đại diện cho ai, cho ông nào, cơ quan hay quốc gia nào? Trong thơ tôi viết gởi đi, cố nhiên là bằng Pháp ngữ, tôi chọn lời khiêm tốn, hết sức yêu cầu, nếu quả có mua, xin bằng lòng nhượng tô ấy lại cho tôi, tôi dùng làm vật nghiên cứu. Xin délégué đến tệ xá, lựa món cổ vật nào vừa ý, thì chúng ta đổi chác với nhau, và trong thâm tâm, sự nhẫn nhượng hy sinh nầy đã là tột bực. Qua ngày 5 tháng 9, quả tôi có nhận của ông lãnh sự Pháp ở Đà Nẵng, một bức thư khá nhã nhặn, nhưng than ôi, ông cho biết ông không bao giờ có mua một cái tô xưa nào ở xứ Huế.

Câu chuyện đi săn mù một cái tô mua hụt, đến đây kể như kết thúc, bài tôi viết hôm nay chỉ làm thất công người đọc, riêng tôi thì hoàn toàn thất vọng, tật buông mồi bắt bóng là tật hư; cũng tại mình, trách ai?

Không khác chuyện một cô gái tân, hồi nó còn ở nhà cha mẹ thì không chịu bỏ trầu cau, mảng chần chờ để nó bị người khác cưới khi ấy nằng nặc xin chuộc, mặc dầu cái tân đã không còn. Quả tôi hư hay không, tôi không cần nói.

Chúa nhựt 24 tháng chạp tây 1967 - Bác sĩ H. từ Huế bay vô Sài Gòn. Ông ghé nhà báo tin mừng đã tìm ra manh mối lão Tây mua cái tô. Có hy vọng nài được duy giá phải cao. Tôi trả lời giá nào bây giờ tôi cũng ưng, miễn đừng lên tới mười hai ngàn đồng, gấp hai giá cũ, thì tôi chịu thua, không với tới.
Tháng hai dương lịch 1968 - Đầu xuân Mậu Thân, thành Huế bị nạn chiến chinh, ngót hai chục ngày, đôi bên đánh nhau, ngày rút lui, thành trì chỗ hư, chỗ đổ nát, cung điện, nóc điện bị bắn bị bom. Rất đỗi thành vua còn bị vạ lây, có ai có lòng dạ nào nhớ đến cái tô quèn. Xin đừng nhắc tới nữa, đau lòng.

Ngày 31 tháng 3 dương lịch 1968 - Buổi chiều, thỉnh lình có bác sĩ H. đến. Ông từ Huế vào, vì máy bay giao thông trở lại. Anh em tay bắt mặt mừng, cả hai nói chuyện không thôi. Bỗng ông rút trong cặp da, cái tô “Đông mạch tụ cô tùng”, ông giao tô cho tôi, nhận đủ mười ngàn bạc, ông ra về, tôi cho giá nầy rẻ hơn giá bán ra của lão Khoá Ổi.
Được tô mừng không chỗ nói; ngâm nho nhỏ đủ nghe: “Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao”! Cầm cái tô trên tay, vì trong trí đã từng gặp nạn như vầy nhiều phen, khiến tuy chưa làm thân chủ dưỡng trí viện Biên Hoà, nhưng trong trí óc phân vân tự ví cái tô kia không khác con người là mấy. Nếu con người nầy là trai trẻ, là đứa con dại đứa con hoang bỏ nhà đi biệt tích biệt tăm suốt mấy năm nay, nay trở về đó, lòng tôi bỗng quên hết chuyện cũ, để vui câu đoàn tụ, huynh đệ cha con sum họp; hơn nữa, hoặc giả người ấy là phận gái một đứa gái hư, một con vợ hỏng, đi biệt mấy năm mất tin mất dạng, nay tần ngần chường mặt ra đó, mình đã không ngầy ngà lại còn chứa chấp, không dám nặng nhẹ nửa lời tỷ dụ “Há” bó đi đâu khiến người ta thương thương nhớ nhớ. Nay về đó, lại còn nhõng nhẽo làm eo làm xách”. Lòng tưởng vậy, tay rút sổ vừa rung rung vừa ghi số mục lục cái tô là số 891. Cả đêm, mừng không ngủ.
Ông Khoá Ổi - Nhơn nói chuyện cái tô tái ngộ, xin có đôi hàng giới thiệu người chủ trước của nó là một nhân vật lạ lùng đất Huế.
Người mà tôi có can đảm đến viếng và được nhắc hôm nay, vì ông không có thi cử khoa nào, nhưng ông đã mua được chức “khoá” và ông tên Ổi, cho nên tôi gọi ông và viết tắt tên ông là K.O hoặc K. Ô. Nhắc lại, cụ Ấm là con nhà quan. Cụ nghè, cậu khoá, tuy không còn thi cử theo lối xưa, nhưng ai cấm cản mình tự.phong hay mua phứt nếu triều đình bán: để xưng hô mà. Vì vậy mà tại Huế, trong thành nội, có ông Khoá Ổi, cũng như đường Hàng Bè có cụ Nghè Hưng, cả hai đều mua bán đồ sứ cổ. Trước đây, ông Cố Trầu, hễ ai muốn dâng lễ lộc, hễ Cố nghe món ấy vật ấy từ nhà cụ Nghè có chân bước ra, là Cố cười hì hì, hai tay thâu nhận, cũng như sau lưng nhà cụ nghè, trên đường Phan Bội Châu, ở trong một hẻm cùng ở sát bờ thành, có đến hai nhà chuyên bán đồ cổ, hai nhà đâu mặt nhau: người anh mập mạp, tên Nai, thì đã dời sự nghiệp về Sài Gòn, còn người em gái, vẫn còn nhà y chỗ cũ; trước đây, chồng chuyên đi lùng mua từ xóm quê nhưng chưa vội trả tiền, kẻ bán gánh gánh hàng đến nhà người vợ thì bị chê mắc, chê xấu, lỡ đem đến đây không lẽ gánh ngược trở về, thôi thì chịu ép hạ giá, vợ chồng toa rập như thế mà làm giàu rất mau. Nơi đường Võ Tánh (Minh Mạng cũ), mé hữu đầu cầu Đông Ba, từ phía chợ bước qua, có một nhà chuyên bán từ chiếc mề đay cũ bằng đồng, bằng bạc của thời các vua xưa nhà Nguyễn, đến bạc nén bạc thoi, hoặc cổ tiền đủ niên hiệu từ Cảnh Hưng đến Bảo Đại, ở đây thỉnh thoảng còn gặp bán vài món cổ vật có giá trị.

Nhưng đi lên một đỗi nữa, cũng còn trên đường Võ Tánh nhưng mé tả, số nhà 53 có một cụ già, theo tôi, lúc đó tại đất Thần kỉnh, cụ Ấm Tư, mới thật là một tay sành sỏi biết chơi cổ ngoạn. Một nhân vật hiếm có, sót lại của thời đại cũ. Lúc sinh tiền, cụ thường dặn tôi rằng: “Ở đời phải biết đờn cho thật tươi, nhưng nên đờn khi hứng cho mình đủ nghe, và nhứt là không nên làm nghề đờn cho đào nó hát lấy tiền; cũng như nên tập chơi đồ cổ cho thật tinh, nhưng chơi đồ cổ để di dưỡng tỉnh thần, mà không nên và tránh đừng trở nên một con buôn đồ sứ phớm phỉnh”. Nhà cụ rất thanh bạch, nhưng tánh cụ rất hào phóng. Khi cụ thích ai, mến được tánh ý, cụ chơi hết mình: ấm gan gà, ấm Thế Đức, bầu sành be sứ, cụ tặng không, không tiếc, một hai không nhận tiền, ép nài cách mấy, không là không. Giữa nhà, nhà lợp tranh nhưng rất tỉnh khiết, thấy treo một biển son đề ba chữ vàng: “Thừa Thiên Sủng” và hai câu liễn cũng chữ vàng:
Long chương nhựt tuấn tam quân lịnh.
Hổ trướng nhân khâm bát diện tài

Hỏi ra ông thân của cụ trước là võ quan hai đời Thiệu Trị và Tự Đức, tức là thống chế, vốn một tay thiện xạ từng theo vua lên núi nhiều phen đuổi thú, săn hổ, săn nai, nên biển và liễn kia không xấc. Cụ Ấm thường đóng cửa ở nhà không giao thiệp với ai, và tôi nhờ cụ Hường Trung Nguyên Hữu Tiến giới thiệu, nên cụ xem là bạn vong niên, nhưng tôi phải học đi bộ cho giỏi, thì mời theo kíp bước chân của cụ, mỗi lần không biết lướt mấy cây số ngàn mà kể. Người quắc thước, lúc tôi đến nhà là xuýt xoát tám mươi, nhưng trông cụ còn khỏe người lấm. Ngờ đâu cách vài năm sau, bỗng nghe cụ Ấm đã mất, vì bị giết trong một đêm mưa dai. Ô hô! tám mươi chưa khoe mình lành. Khoá Ổi tôn cụ Ấm làm hàng thầy, và thường đến nhà vấn kế.

Còn vài nhà nữa, rải rác trong một thành phố nhỏ, cũ kỹ, chung quanh là núi lấp thấp và một con sông rất làm biếng Sông Hương lờ đờ. Muốn tìm các nhà ấy không khó, nhà trong lỗ miệng. Toàn là các tay tập chơi và học bán, chưa phải lành khoa cổ ngạn, và cả thảy đều thua xa ông Khoá Ổi. Ông khoá biết chữ Nho nhiều để đáng mặt thầy khoá. Nhờ ông sưu tập lâu năm và có học thức khác nên nhà ông có chứa chấp nhiều món cồ vật độc đáo. Khác hơn những hạng kia, Khoá Ổi bán với một giá cắt cổ, người nào không ưng mua. Ông không ép, nhưng dám mua, khi đem về nhà, xem lại thì quả không chỗ chê, và rất đáng tiền. Chính nơi đây, tôi đã đào ra một cái đĩa mà nhiều tay mơ cho rằng không đáng mặt làm nắp hũ dưa chua”! Vì cái đĩa ế độ nên chờ lọt tay tôi. Khi tôi có đĩa rồi tôi cậy người hay chữ đọc hai câu thơ đề trên đĩa, thì tôi mừng như ai cho vàng. Thơ đề:
Mó rận luận chơi thời sự
Ngã lừa, mừng tuổi thái bình

Một cái đĩa thứ hai cũng gặp nơi này, trong một kỳ khác đọc là:
Vắt chân nằm ệch ngáy o o,
Ngẫm xem chẳng khác Đường, Ngu thói thuần

Hai đĩa nầy, với cách trình bày đơn sơ, mộc mạc, ẩn một mỹ thuật kín đáo, mới mẻ, theo tôi, quả là hai vật quý của triều Tây Sơn, người chơi đồ cổ có bản lĩnh, dẫu có duyên phần cách mấy, cũng không chắc gặp lại hai lần. Vàng ròng không đổi. Nhưng tôi đã sa đà, quá trớn.
Trở lại Khoá Ổi, trong khi các tay mơ tập bán đồ xưa, chưng bày đầy nhà để câu khách, trái lại Khoá Ổi, cao tay ấn và theo một phương pháp khác hẳn, đồ cổ của ông, ông giấu ém trong hai cái tủ gỗ kê sát bộ ván gõ là chỗ ông nằm khi trưa cũng như lúc tối, còn món nào xét ra quý hơn nữa, thì ông để trong tủ sắt kiên cố cũng kê khít đó. Khi nào có khách sộp đến nhà, ông chưa vội đem ra bán đâu, ông nói chuyện vòng vo Tam quốc, ông lấy ấm quý trà ngon ra bày, ông pha trà thật ngon, thật khéo để đãi khách, cách ông chuyên trà là cả một nghệ thuật khó bắt chước, thảm một nỗi là người ông khô đét và ông ho sù sụ, người khách phát ngán, vì xã giao, bưng chén trà lên ngửi rồi để xuống, nhưng ông không thèm để ý, vì ông mắc lo lấy từng món lạ ra cho xem, và ngã giá. Khách thích đĩa xưa, thì ông có đến mấy chục bộ khác nhau, và cái nào cũng có điển tích hay và lạ, món nào đĩa nào khách cũng ham muốn. Nhược bằng khách thích tô có thơ nôm, hoặc các món khác hằng cổ ngọc, món chi ông cũng đều có và rất khác, không giống những vật chưng bày nơi mấy nhà kia. Người khách nào ngã giá xong và đang sắp sửa gói đồ ra về, khi ấy, ông thu xếp những vật khách không để mắt xanh, ông cất tiền kỹ càng, ông chờ khách nói câu từ giã, ông mới nói một câu thòng mời khách nán lại đôi giây, rồi ông lôi từ tủ kín lôi ra, ông khoe một món chưa cho xem và ông bán nữa. Khách nào như tôi, không dằn lòng ham muốn được khi ở nhà Khoá Ổi ra về, tuy nặng ba ga, mà túi nhẹ không hay. Còn gì tiền mai nầy mua mè xửng, mua nằm Huế về lo lót má bầy trẻ? Nhà Khoá Ổi ở số 12o đường Nguyễn Thành, trong Thành Nội ngõ Đông Ba đi vô một đỗi. Không biết bây giờ cảnh ấy còn như lúc tôi được biết hay chăng


26 (tt)
B. Hình Dáng Cái Tô.


Cái tô nầy tròn và khá rộng lòng tô cạn trẹt trẹt, kiểu chuyên môn quen gọi là kiểu “lòng chảo”. Tô nầy đo:
- Bề ngang trên miệng kinh tâm, đo 215 ly Tây (215 mm);
- Bề cao, từ đáy đo lên miệng: 80 ly Tây (80mm);
- Kinh tâm dưới khu tô: 85 ly Tây (85mm);
- Số vô bộ mục lục: 891.
- Ngày mua: 31-3-1968.
- Giá mua 10.000 bạc năm 1968.
Trong lòng tô, trắng buốt còn bên ngoài, vẽ năm con nai da lốm đốm như bông mai điểm trên mặt đất, chuyên môn gọi kiểu “điểm mai hoa lộc”, năm con lộc nầy đứng dưới gốc một cây cổ tùng, và cảnh trí xơ rơ hiểu ngầm là vào mùa thu, mùa đông lạnh lẽo. Kế bức vẽ, có đề một hàng chữ Hán, đọc là “Đông mạch tụ cô tùng”. Đặc biệt của cái tô nầy là ở dưới đáy, có đề mười sáu chữ vẽ trong một vòng tròn và đọc là: “Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí đông mạch cô tùng”.

Tôi xin dịch tùng chữ là
- Tự Đức: đời vua Tự Đức (1847-1883);
- Mậu Thìn: năm Mậu Thìn đời Tư Đức là năm 1868 dương lịch;
- Trung thu: tức ngày rằm tháng tám âm lịch;
- Đặng: họ Đặng;
- Quý: nhỏ, bực thứ;
- Từ đường: nhà thờ tổ tiên, phủ thờ của một họ;
- Tế khí: đồ dùng trong việc cúng tế tổ tiên, hoặc thần Phật;
- Đông: mùa đông;
- Mạch: đường huyết chạy trong thân thể;
- Cô: một mình;
- Tùng: cây thông, cây nầy lá được luôn luôn xanh, biểu hiện người quân tử, gặp cảnh ngộ nào cũng không đổi tánh, vẫn giữ y như cũ.
Mười sáu chữ ấy gộp lại có nghĩa chung là: “Làm vào ngày Trung thu năm Mậu Thìn đời vua Tự Đức (1868), vật dùng làm đồ thờ để tại nhà từ đường của họ Đặng, dòng út”. Riêng bốn chữ “đông mạch cô tùng”, viết luôn thêm chữ “tụ” cho đúng câu thi ngũ ngôn “Đông mạch tụ cô tùng” mới xem dường khiêm tốn, nhưng xấc ngầm, ý hiểu: thân tôi khác thể gốc tùng già, trơ trọi lá tuy vào mùa đông, nhưng nhờ đất có phong thuỷ tụ, chứng cớ là có năm con nai (ngũ lộc) tựu hội nằm dưới gốc.

Dựa theo hai chữ “tế khí” thì định chắc tô nầy đặt làm để dùng chứa nước tinh khiết dâng trên bàn thờ, gọi tất là “tô thờ, tô cúng”. Đúng ra phải đủ cặp, vì tục dạy thờ đủ cặp, để kèm hai bên chiếc lư đồng, hai đầu có hai chưa đèn lớn. Vả lại, vì là tế khí, nên lệ đặt làm có một đôi, hoặc làm hai đôi nếu nhà có hai bàn thờ tả hữu, và như vậy không bao giờ đặt làm nhiều hơn, như các vật dụng chén đĩa từ khí khác. Hiểu như vậy rồi, trong trí tôi nảy ra câu hỏi: “Vậy thì còn một cái tô nữa cho đủ cặp, hiện nay ở đâu?”.

a) Nếu có tại nhà họ Đặng, thì cố nhiên người đi tìm mua (có lẽ là ông Khoá Ổi) không dại gì bỏ sót lại, vì bán đủ cặp được tiền hơn bán lẻ, và đã rinh luôn một lượt và đã như cái tô nầy, hiện nay lọt về tay tôi rồi.
b) Theo ý riêng tôi, thì tôi định cái tô thứ hai, nếu có, thì lúc ông Khoá Ổi gặp, đã không còn nữa, hoặc đã bể hoác đã mất, chớ không lý, tôi xin lặp lại, không lý ông Khoá Ổi là người lão luyện trong nghề, lại thiếu tâm lý rứt tô đủ cặp ra bán từng cái một cho mất giá, và tô trở nên vô dụng vì không ai thờ tô lẻ loi trên bàn thờ. Về tục lệ đồ hương hoả, nếu có chia chác, lúc phân chia gia tài, thì đồ tế khí thuộc về người con trưởng thừa hường để tiếp tục việc phụng tự tổ tiên và vẫn được lãnh đủ cặp đủ đôi mới dùng được Như thế thì tô thứ hai kia đã không còn, và cái tô hiện tôi có đây là tô duy nhứt, nói theo chữ là tô “độc nhất vô nhị”. Chính ông Khoá Ổi không nghĩ đến chi tiết nầy, nếu ông biết ắt ông không bán với giá 6.000 đồng mà còn bán mắc nhiều hơn nữa. Đối với gia đình thờ phụng ông bà thì cần dùng tô đủ cặp, còn đối với người chơi đồ cổ như tôi, thì càng hiếm lại càng quý, và tôi có cần dùng làm chi tô đủ cặp, tô lẻ còn một cái một, mới là quý cho chớ!
Mà cũng không phải vì nó có một cái duy nhứt, nên tôi gọi rằng quý, và vì vậy mà tôi tìm mua cho kỳ được. Sở dĩ tôi mua mắc là tôi hiện cần dùng những cổ vật để chứng minh về nước men các đồ sứ gọi bleu de Huế (đồ sứ men lam chế tạo cho Huế), (tôi nhấn mạnh “đồ sứ chế tạo cho Huế”, làm riêng cho Huế dùng, chớ không phải đồ chế tạo tại đất Huế, làm và sản xuất tại Huế. Danh từ Pháp “bleu de Huế” nầy đã làm cho nhiều người chơi đồ cổ hiểu lầm về chi tiết nầy, nay xin đính chính).

Hiện thời, trong nhà tôỉ cũng như suốt một đời tôi, tôi đã hi sinh, nhịn ăn nhịn mặc, nhịn đi ciné, thà để vợ con rách rưới, là vì tôi mê đồ cổ: có bao nhiêu tiền tôi đều cúng cho đĩa sứ men lam.
Kể ra, tôi sưu tập khá nhiều và đã có nhiều món đủ chứng minh những vật chế tạo vào những năm có phái đoàn nước ta đi sứ sang Trung Quốc, tỉ như:

1) Bộ chén trà năm Giáp Tý (1804), tức bộ chén nầy làm để kỷ niệm năm vua Gia Long nhân sắc phong của thanh đế. Đúng ra vua tức vị năm Nhâm Tuất (1802) đã lập đàn lễ cáo trời đất, thiết triều cho các quan lạy mừng, và đặt niên hiệu “Gia Long nguyên niên” vào tháng năm năm Tuất ấy, nhưng thật ra đến năm Giáp Tý (1804), Thanh triều mới sai án sát sứ tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang Hà Nội tuyên phong, và đến năm Bính Dần (1806), vua mới làm lễ xưng đế hiệu tại điện Thái Hoà (Bao nhiêu chi tiết vặt vãnh nầy đủ chứng minh mấy năm đầu niên hiệu Gia Long, trong nước vẫn chưa đại định).

2) Một bộ chén khác, vẽ tích “ngũ liễu”, làm vào nam đi sứ triều vua Tự Đức, chén trà ngũ liễu có rất nhiều, nhưng đây là bộ chén chế tạo vào năm đi sứ năm Đinh Tỵ (1857), ngụ ý mượn hai chữ “ngũ liễu”, cũng đọc trại trại “ngũ lão” để cầu viện binh, lấy cớ năm ông lão đời cổ rất là thân thiện với nhau. Hai năm sau, năm 1859, thì xảy ra trận giặc Việt đánh với giặc Pháp và I-pha-nho hiệp sức cấu xé nước ta và đoạt đất Nam Kỳ (giặc năm Kỷ Mùi 1859);

3) Tô vẽ tứ thời, để niên hiệu đi sứ năm Gia Long Mậu Thìn (1808);

4) Tô vẽ tích “anh hùng độc lập”, vẽ một con gấu đúng dưới gốc cổ thụ, và một con ó dữ đậu trên cao, kiểu nầy vì vậy cũng gọi kiểu “ngấu ó”. Niên hiệu đề “Canh Thìn” (1820), đây là năm đi sứ triều Minh Mạng sang Trung Quốc cầu tấn phong. Xét theo nước men, bộ chén nầy cổ hơn men bộ “ngũ liễu năm 1857” thì đã đành, nhưng phải cẩn thận và không nên đưa bộ chén lên một con giáp nữa, tức năm đi sứ 1760, Cảnh Hưng năm 21, sứ bộ do ông Lê Quý Đôn cầm đầu. Bộ chén nầy, nước men tuy già dặn, nhưng định năm 1820 là đúng, chớ định năm 1760 là quá hớp.
Phàm chơi đồ cổ có chân tâm, phải dè dặt, phải cẩn thận, thà định tuổi thấp, cho người thức giả kéo lên là vừa, chớ định cho cao để sau nầy có người bác bỏ thì còn gì uy tín;

5) Lại có một bình tích sứ thật to còn đời nắp vòi, vẽ tứ linh và mỗi con long lân qui phụng, đều có kèm một bài thơ kế bên. Hiệu đề “Thạnh tường thuỵ chế”. Bình tích nầy, do vóc thật to, làm cho tôi suy nghĩ, trong Nội phủ, thuở xưa đã chế tạo vật nầy để dùng chung trong phủ, trong nhóm cung nữ phi tần, khác với ấm con dùng riêng vua chúa. Ban đầu, tôi định vật nầy làm để dâng cho chúa Trịnh Sâm (1767- 1782). Vì Tĩnh Đô Vương, lấy hiệu là thánh Tổ Thạnh Vương. Nhưng xét một lẽ khác thì bình tích nầy khéo quá, độc đáo quá, nên sắp vào hạng “quân diêu” (kuan-yao) mới vừa. Phải cũ kỹ hơn men Kiền Long (1736-1796) là vua đồng thời chúa Sâm. Nhưng năm Canh Tý (1780), chúa ăn lộc tứ tuần; qua năm 1782 (Nhâm Dần) chúa mất (chúa sanh năm 1739, Kỷ Mùi): còn nước men nầy già giặn hơn nhiều, thì phái làm sao Vì lẽ ấy sau tôi định lại, rằng bình tích nầy chế tạo vào đời vua Khang Hy (1662-1722), và vì xét theo bốn chừ “Thạnh tường thuỵ chế”, tôi định chục lại là làm vào năm ăn mừng Khang Hy trị vì đúng mười con giáp (sáu chục năm), như ấy là năm Nhâm Dần 1722. Thuyết nầy thêm vững, vì sau nầy tôi cậy người dịch kỹ những bài thi trên bình thì đều ca tụng một buổi thạnh triều thạnh trị, ám đời chỉ Khang Hy mới đúng, việc nầy tôi có nói rõ trong tập số 9 bộ Hiếu cổ đặc san, nên ở đây tôi không lặp lại. Còn cái thuyết trước định chế tạo cho chúa Sâm, tôi xin nói, vẫn chưa sai, vì bình nầy gặp tại Huế, tức trên đất Việt Nam và có lẽ do một sứ bộ Việt thỉnh về từ trước, để dâng chúa Sâm vào dịp lễ tứ tuần: rồi sau đó, bình theo gót lưu vong, lạc loài mãi, vô Huế, sau rốt lọt về tay lão Vương già. Việc tuần hườn trời đất nói không cùng: riêng về khoa giảo nghiệm đồ sứ cổ phải cho phép bàn đi cãi lại, và không nên quyết đoán lắm, e sai với thực tế, còn hấp tấp quá, vội vàng quá, cũng không xong. Sức bực các nhà thông thái giỏi hơn bá bội còn lầm; duy có người chê đè, ghét triều Nguyễn, rồi ghét luôn đồ sứ Nguyễn, thì cho tôi can. Mẹ cú đẻ con tiên; thằng an ninh, thằng công an, ghét đã đành, nhưng con nó có tội tình gì, thêm thật đẹp, thì mới làm sao? Tôi đã quá tuổi tôi không dám thêm thắt lời nào, duy sẵn tánh khoan dung, nếu không ai thâu nạp thì tôi sẵn lòng chấp chứa, dẫu có tội cũng chịu.

Tóm lại, tôi có đủ dùng để nghiên cứu, duy thiếu một vài món để chứng minh giai đoạn gần đây, khoảng một trăm năm làm hạn.
Ban sơ tôi gặp được cái tô Đặng Huy Trứ nầy, để rõ làm vào năm Mậu Thìn đời Tự Đức (1868), tức được một trăm năm, đáng lẽ tôi mua liền đó, nhưng tôi đã dại dột bỏ mất cơ hội nào chê men mới, nào chê giá mục, đến khi giựt mình hồi tâm, biết rõ “nó mới”, chính vì nó chỉ có một trăm tuổi (1868- 1968), và nước men đồ sứ làm năm 1868 là dường thế, cái tô nầy đã có niên hiệu Mậu Thìn (1868) làm chứng, mà tại sao lúc gặp tôi còn chần chừ?

Trở lại thiên khảo luận của tôi, “Tìm hiểu men lam xứ Huế” thì được cái tô nầy, không khác ai cho một trang kết luận lý lẽ xác đáng, tôi không mừng sao được. Một điều nên tha thứ và thông cảm cho nhau, là trên đời không ai dám khoe trọn lành và lành nghề. Dẫu kinh nghiệm có thừa mà trong túi anh Hai đi vắng thì người đó cũng hoá dở, vì mảng do dự làm mất cơ hội như tôi là thường thấy. Nếu phải được chánh phủ viện trợ, tài trợ, tiếp tay chút ít, thì đâu có xảy ra việc lôi thôi, nhưng nếu được cung cấp dồi dào quá, nhiều khi cũng không hay, vì bạ đâu cũng mua, gặp đâu cũng gọi là quý, cho nên tôi nói: thiếu hay thừa đều có sở trường sở đoản. Dám khuyên ai muốn bước chân vào nghề hãy có đủ can đảm chịu nghèo, thà mua lầm, nhưng cũng cần xem đi xem lại, cho kỹ trước khi mua một món đồ, miễn đừng quá chần chờ như tôi, không khéo sẽ bỏ qua nhiều dịp tốt.

b) Để hiểu biết thêm về chuyện cái tô, tôi xin trích ra đây hai tài liệu về tiểu sử ông Đặng Huy Trứ, là người đã đặt lò sứ bên Trung Quốc làm cái tô và vốn là người chủ trước nhứt của cái tô nây:

1) Tài liệu dựa theo bản dịch ra quốc ngữ của bộ Văn hoá Sài Gòn:
Lúc ấy có lời ca dao rằng:
Thế gian Đặng Trứ là đầu,
Chiếc thuyền thương mại sang Tầu, sang Tây.

2) Và sau đây là tài liệu theo bản dịch của NXB Văn hoá, Hà Nội, sao lục từ Paris gởi về:
511 - Đặng Huy Trứ (thế kỷ XIX):
Đặng Huy Trứ, tên tự là Hoàng Trung, người tỉnh Thừa Thiên.
Không rõ ông sinh và mất năm nào. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thần đồng. Niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông đậu cử nhân, rồi thi hội trúng cách, nhưng bị phạm trường quy, thành ra hỏng tuột.
Niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông thi lại đậu thủ khoa. Niên hiệu Tự Đức (1848-1883), ông làm tri huyện, thường dâng sớ điều trần về những điều ích nước lợi dân. Tự Đức cho làm Bình chuẩn sứ, trông nom việc buôn bán ở các cửa biển và tàu thuyền xuất nhập.
Tác phẩm có:
- Hoàng Trung thi sao (thơ), VHV. 83, VHV.294;
- Tứ thư văn tuyển (văn), VHV. 341;
- Tân niên Thanh Khang Hy ngự đề canh chức đồ phó bản (nghệ thuật) VHV. 823;
Nhị vị toàn tập (văn), VHV. 942;
- Việt sử thánh huấn diễn nôm (sử, văn);
- Nhị Hoàng di ái tập (văn);
- Bách duyệt tập (văn);
- Tòng chính di quy (văn);
- Sách học vấn tân (giáo dục);
- Đông nam tân mỹ lục (văn);
- Tứ thập bát hiệu ký sự (sử, văn)
Ngoài ra ông còn san khắc nhiều sách, như Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái.
(Lược truyện các tác giả Việt nam (tập 1): tác giả các sách Hán, Nôm. Trần Văn Giáp chủ biên. Tạ phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tường Phượng, Đỗ Thiện, trang 408-409), căn cứ theo tài liệu xuất bán ở Hà Nội, thì Đặng Huy Trứ thi đậu thủ khoa năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Còn xem lại tài liệu Sài Gòn thì ông đậu giải nguyên năm Tự Đức thứ 7 (1854). Không biết bên nào nói đúng? Muốn tra cứu bộ Đại Nam chính biên liệt truyện, thì bộ nầy chưa dịch ra quốc ngữ, đành chịu thôi.

Khi tôi ra Huế, về tiểu sử Đặng Huy Trứ, tôi nghe thuạt lại ông có một tiểu thơ gả cho một người Pháp, sanh được hai trai đều làm giáo sư, một ông dạy ở Huế, một ông dạy ở Sài Gòn, đều tên có chữ C. đứng đầu, tin nầy xin cho hậu cứu.
Năm 1955, ở Viện bảo tàng Khải Định (Huế), tôi có chụp được ảnh một đĩa cổ, tuy đĩa đã nứt làm đôi, nhưng nếu tàng trữ tại viện thì rõ là đĩa hiếm lạ: đĩa nầy vẽ hình cá lội giữa đám rong, và sau đáy có đề một vòng tròn Hán tự, đọc là: Tự Đức Mậu Thìn, Trung thu, Đụng quý từ đường tê khí ngư tạo” cả thảy mười bốn chữ, và xin đọc kỹ “ngư” là cá, đừng lầm “ngự tạo” là đồ ngự chế cho vua dùng.
Ngoài ra, cũng đồ từ khí tìm được tại nhà thờ họ Đặng, nhưng thuộc dòng cả, tôi may mắn gặp lại hai cái tô chấm san thuỷ giống nhau và da rạn, đáy ký hiệu chữ “nhựt” (đời Tự Đức). Nơi đáy có chạm thêm rất sâu, bốn chữ đọc là “Đặng bá từ khí”. Như vậy đây quả là tô chứa nước cúng trên bàn thờ nhà họ Đặng và thuộc dòng lớn. Nhưng đây không phải là tô đặt làm riêng, vì ký hiệu “Nhựt” chớ không phải hiệu “Đặng quý tế khí” v.v... Sau nầy, tôi từng gặp lại nhiều tô ký hiệu Nhựt và cũng chấm san thuỷ y như tô nầy, khi ấy tôi khám phá ra tô san thuỷ Nhựt cũng là tô do Nam triều đời vua Tự Đức phái cho ông Đặng Huy Trứ, chức dinh điền sứ đặt lò Trung Quốc làm, và có lẽ ông Trứ, nhơn thấy kiểu tô khéo, nên có lấy lên vài cái chạm thêm bốn chữ “Đặng bá từ khí” và dùng làm tô cúng nước nơi nhà riêng chăng, và đây cũng là lập luận phóng ước của tôi mà thôi. Như đã nói, tôi gặp lô kiểu “san thuý hiệu đề chữ Nhựt” nầy nhiều lắm, gặp trong Nội phủ và rải rác gặp nơi các hiệu buôn đồ cổ Huế và ở Sài Gòn đâu có, nhưng tôi dám quả quyết đây là loại tô đặt riêng cho triều đình Huế dùng, một là vì có bài thi nôm hai là nét chấm phá nùi non đều đặc biệt là núi non vùng Huế. Nội cái bài thơ chữ Nôm nầy, cũng đủ gọi tô quý. Trong giới chuyên môn chơi đồ cổ, thường đặt nhiều danh từ chuyên môn riêng để dùng, tỉ dụ những đồ đặt chế tạo trong năm đi sứ thì gọi “đô sứ”, hoặc giả đó là đồ vẽ theo ý thức riêng của mình thì gọi “đồ ký kiểu”, và cặp tô nhà họ Đặng nói đây, đều thuộc hai loại nầy. Bài thi nôm là bài ngũ ngôn bát cú nhưng không viết làm tám hàng:

Một thức nước in trời,
Đò ai chiếc lá khơi (hay là “lửng lơ khơi “)
Non xanh xem vọi vọi,
Dòng biếc thấy vơi vơi,
Mắng khúc Thương Lang khảy
(có người đọc: “Hò khúc Thương Lang gởi”)
Ưa tình lữ khách chơi;
Mong chờ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời.


Chớ chi người chế tạo cái tô nầy, ưng viết bài thi nôm ra tám câu như trên đây thì không có chuyện. Đằng nầy, nhơn khúc san thuỷ choán gần hết chỗ là một lẽ, còn một lẽ khác là người Trung Quốc họ thích trớ trêu đấu trí, cho nên bài ngũ ngôn bát cú nầy, họ ghi trên tô làm sáu hàng, mối hàng bảy chữ y như sau đây:

Một thức nước in trời đò ai
Lửng lơ khơi non xanh xem vọi
Vọi dòng biếc thấy vơi vơi mắng
Khúc Thương Lang khảy ưa tình lữ
Khách chơi mong chờ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời CẨN BÁI


Đã là thơ ngũ ngôn bái cú có bốn chục chữ, mà không viết làm tám hàng theo cổ lệ, mà nhè viết làm sáu hàng bảy chữ, vị chi là bốn mươi hai chữ, thiếu đi hai chữ, ông thợ Tàu ta bèn thêm đại hai chữ “cẩn bái” vào, khiến nhà văn Tàu “lạc ông Bổn”, và nhà nho Việt cũng lạc lối, không ai đọc cho ra nghĩa, thiệt là rắc rối và thú vị. Vả chăng chữ nôm đã là mắc mỏ, thêm người viết không thành thạo lối chữ nầy, khiến cho nhiều chữ hoặc thiếu nét hoặc dư nét, và sắp đặt bay bướm theo kiểu “Ba Tàu” nầy, thì quả là một bài toán đố hay một lối phát toa kiểu Cống Quỳnh? Cái thú bất ngờ của khoa chơi cổ ngoạn là vậy.
Việc đâu còn đó, nay dựa theo câu “Mong chờ yên sóng gió, Qua lại mặc người đời”, nhắc lại năm tôi còn làm nơi Viện bảo tàng Sài Gòn, tôi có viết đăng báo Việt và báo Pháp, trong bài tôi đưa ra lập luận định chừng:
1) Tô làm vào những năm đại loạn sau khi vua Dục Tôn (Tự Đức) thăng hà (1883),
2) hoặc làm vào năm vua Hàm Nghi mông trần (1885);
3) Hoặc giả làm lúc vua Tự Đức còn tại vị (1847-1883).
Tôi đã nói từng gặp tô nầy ngót mấy trăm cái, chứa nơi kho của Viện bảo tàng trong Nội ở Huế, vả chăng đức Dục Tôn, tên huý là Nguyễn Phước Thời, (chữ Thời, cung đọc Thì, thuộc bộ Nhựt), cho nên ngài lựa chữ “Nhựt” làm hiệu đồ sứ. Có lẽ tô nầy đặt làm cả lố bên Trung Quốc khi đem về tới Huế thì rủi vua băng, chưa kịp phân phát trong hoàng thân hoàng tộc, cho nên còn rất nhiều như tôi đã thấy.
4) Một thuyết khác nữa, và chỉ định chừng, không bằng cớ nào chứng minh, là tô nầy cũng có thể do một ông hoàng nào đó ra kiểu. Ông hoàng nầy có lẽ được triều đình rước lên ngôi báu thay vua Dực Tôn, nhưng ông hoàng ấy ngao ngán thế sự thấy toàn những gương không tốt đẹp, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phước, đều bất đắc kỳ tử, làm vua chưa nóng ngôi tôn, nên ngài nhượng bộ cho ông khác, và thổ lộ can tràng trong bài thi có nhiều ý nghĩa nầy, thà làm ông hoàng nghèo mà sạch, thà làm ông thi sĩ được danh lưu hậu thế, còn sướng hơn làm vua trong ba hồi trống giục.
Ông hoàng phi-lô-sốp nầy là ai, cũng như trong bốn thuyết, thuyết nào là đúng? Tôi nêu câu hỏi đã nhiều năm mà chưa thấy trả lời. Kỳ tháng chín năm 1967, tôi ra dạy ở Huế là kỳ chót, tự tôi xin rút lui, vì linh tính bảo không nên kéo nhây ra ngoài ấy mãi.
Kỳ đó, tôi ngỏ ý muốn đến tận nhà cụ Đặng Huy Trứ để xem cho hản. Nhưng tất cả anh em đều khuyên tôi bỏ ý định lãng mạn ấy vì vùng Bao Vinh lúc đó kém an ninh. Vả lại nhà ấy đã bán đến đồ tế khí, thì liệu nầy còn giữ được chi nữa mà hòng đi.
Xét lại theo câu vè và câu ca dao để lại, và tin đồn “con ông lấy chồng Tây”.

Trong bài thơ, câu nhì có “thuở nào”, xuống câu năm có “thuở trước”, chữ trong bản Lê Quang Chiểu làm sao, tôi chép ra làm vậy, cũng như câu tám “liều khuây” hay “liền khuây”, tôi không dám động tới và xin chừa các nhà sành điệu dạy cho. Sau đây, xin ghi lại một giai thoại: Có một đôi thơ cũ là “Vi thuý đầu can nhựt, Kỳ sơn nhập mộng thần”. Hai câu nầy ghi trên một món đồ cổ, ông Trứ đã đổi lại làm hai câu thất ngôn như vầy: “Trước anh Vị thuỷ đầu can nhựt, Đại thánh Kỳ Sơn nhập mộng thần”. Một ông đồ nho đọc giùm tôi hai câu nầy và chép cho tôi “Trước anh vị thuỷ”, nhưng mặc dầu tôi dốt chữ, nhưng tôi tò mò mãi và khám phá ra, nên đọc “Trứ anh Vi thuý đầu can nhựt”, đọc “Trứ” chớ không phải “Trước”, và “Trứ anh” tức là “Anh Trứ”, tức Bố Đặng Huy Trứ chớ không ai dám làm như vầy. Ông đặt làm bình vôi có ghi câu Trứ Anh, ông bán bình vôi được nhiều tiền, ông sửa câu thi cũ, ông là người dám ăn dám làm, cho nên việc gả con cho Tây, tôi tin rằng có. Sanh tiền ông quá quắt không vừa: đạp đổ nề nếp xưa nên gả con cho dị quốc, giao thiệp rộng, nghe thấy xa, đi Tàu, đi Tây, những việc ấy, đã có người bàn nhiều, tôi không dự, duy tôi xin đồng bào ngày nay nhìn nhận: dừng về phương diện mỹ thuật và văn hoá, phải ghi công lớn cho ông, như vậy mới công bằng. Chính nhà vua rất hiểu, nên tuy “làm hao hụt công quỹ”, nhưng vua không làm tội nặng, chỉ giáng chức. Những tác phẩm ông để lại, nay còn giữ được chăng. Có phải vì mắc tội không đáng, nên ông soạn bộ “Nhị độ mai” mà không đề tên tác giả, và mượn nhân vật trong truyện, kể nỗi oan của mình?
Kết luận. Về cái tô “Đông mạch tụ cô tùng “, chuyện có ông Tây nào đó mua cái tô rồi nhượng lại mắc tiền, theo tôi, ắt là chuyện bịa của một người tập buôn đồ cổ, tôi không muốn nói nhiều, e mếch lòng một người bạn đất Thần kinh, dầu chi nay thảy đều là nạn nhơn của thời cuộc. Duy cho phép tôi nói, tôi chơi đồ cổ đã gần suốt một đời dài, mà chưa thấy nên thân chút nào. Nay đã gần xuống lỗ, tôi lại muốn chỉ cái “hư” đáng trách cho hết thảy mọi người thấy hòng lánh xa, vậy những lời tôi nói đây, đều thiết yếu và chân thật. Tôi dám khuyên các bạn, nếu còn đủ sức, nếu có phương thế, cũng nên tập chơi đồ cổ, mặc dầu đất đứng một ngày mỗi eo hẹp, nhưng theo tôi, cũng vì vậy, mà nên chơi để giết thì giờ. Lúc trước, có người giỡn tiền, vãi bạc cho gái, hết triệu nầy qua triệu kia, lại sao? Nếu lúc nhỏ, tôi học nghề thợ bạc theo gương ông bà, thì nay đã sạt nghiệp, treo giò. Nếu tôi bỏ nghề cạo giấy, xin môn bài buôn cổ vật, thì nay đã không còn mà chớ, thêm con cháu ắt đi vùng kinh tế mới (viết câu nầy năm 1978). Có dè đâu, đeo đuổi nghiên cứu ba cái lọ cổ ba cái đĩa xưa mà được an thân? Đố ai biết trước mà đi con đường đúng?

Trở lại nghề chơi đồ cổ, tôi xin nhắc không phải đụng giống gì cũng mua, mua của bá láp, đã tốn tiền thêm chật nhà, con cháu rủa cũng phải. Mua lếu mau sạt nghiệp, thêm không sắm được món gì bổ ích. Đó là phí công đi quét lá rừng, lá còn mãi, biết bao giờ rừng sạch? Phải lập chí và tìm bộ môn nào hạp với ý mình, như vậy mới thấy thích thú. Sơ lược tôi có mấy tỷ dụ nầy, mặc ý chọn lựa:
a) Đồ sứ có thơ nôm - Sắm nó, vừa có món lạ, vừa học nhom nhem chữ nôm chơi. Đây là môn tôi ưa thích, và khi tôi chỉ cho bạn, vô tình tôi kiếm thêm cho tôi nhiều địch thủ lợi hại, vì có nhiều tiền, nhưng vì là môn sở trường nên tôi không sợ. Đã là người Việt thì phải lo cứu vớt đồ sứ nôm, kẻo kíp chầy, đồ sứ nôm, tuy không chân, nhưng biết chạy.
b) Đồ sứ ký niên hiệu những năm đi sứ: Giáp Tý (1804) v.v... Phần nhiều, đây là những bộ chén trà độc đáo, của ông Tiên Điền, của ông Nghè Chu Mạnh Trinh, nói tỷ dụ, vân vân vừa chơi đồ đi sứ đem về, vừa chơi đồ của các nhà văn thời cổ? Bộ chén trà Mai Hạc (năm Quý Dậu 1813, có lẽ năm nầy cụ Tiên Điền đem về bộ sách Hán đẻ ra bộ nôm Kiều), một bộ nữa không đề thơ nôm, nhưng vẽ tích “tỵ dực điểu “, dưới đáy ký một niên hiệu đi sứ, trên mặt vẽ tích chim liền cánh, cây liền cành, đúng là của ông cha ta ký kiểu cho thợ Trung Hoa vẽ. Một bộ chén khác vẽ tích Trương Lương lượm dép cho Hoàng Thạch Công, sau trở nên thầy của vua, có thi câu: “Vĩ kiều trích ly trương, Trương Hoàng chuyển đạo thông”, ký hiệu “nhã ngoạn lưu phương” nhưng rõ là đồ đi sứ mua về, nhưng bộ nầy làm sao bì một bộ khác cũng vẽ một tích lượm giày, nhưng câu thi vẫn đổi ít chữ: “Trích lý yên hà ngoại, ân cần cố quốc tâm”. Câu nầy tôi hiểu nghĩa mập mờ thì đã thích thú rồi, nhưng một hôm, có một bạn đưa tôi đi tìm thăm chị Phù Dung trên một động cao, dưới thang ông bạn bắt tôi tuột đôi giày Ba ta, và khi leo lên lầu, tôi gặp yên hà đủ mặt, chợt nhớ câu thi, tôi tỉnh giấc, rõ ràng “trích lý” và “ân cần cố quốc tâm” của tôi là như vậy,
c) Đồ đá, đồ đàn, chén trà, đĩa trà, tô uống nước trà Huế... Đừng chê đó là vật xấu xí, vì vật khinh hình trọng. Đồ da đá, đồ đàn là vật dụng của bình dân, của người củi lụt tay làm hàm nhai. Nếu có một bộ gồm chén bát đĩa tô của người khám phá khai khẩn ruộng vùng Hậu Giang, của đời Tây Sơn, của đời Lê Văn Khôi, Mai Xuân Thưởng, thì hay biết mấy. Trong khi có nhiều nhà quý phái sưu tập đồ ngự đồ quan, mình có đồ bình dân, mới là lạ mắt. Sách kể năm làm cách mạng bên Pháp, có một anh trốn trên gác sàn với một đồng chí phái đẹp, giặc lụt soát dưới nhà nhột quát chị nín không được, gởi bầu tâm sự vào cái mũ của anh chàng cùng trốn, ấy đừng chê dơ bỏ uổng, sau bọn ăng lê đầu sói nài cái nón làm cò-lét-xông, đội trên đầu tóc biết mọc ra?
d) Đồ gốm Bát Tràng là đồ da sành, sản xuất riêng biệt của làng Bát Tràng, nhưng đồ nầy, mình mua không lại anh em ngoài Bắc và trong Nam, đã có đồ gốm Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) chơi tạm đỡ, và cả hai đều là đồ nội hoá quý.
e) Đồ sứ ngự chế - Toàn là của quý, gọi ngoạn hảo, của vua chúa khi xưa dùng. Có một món, vẽ trong lòng, còn chữ thì đề dưới đáy, làm như vậy cho bức tranh vẽ thêm lộng lạc. Và để phá một dị đoan, đĩa làm vào một ngày mười bốn âm lịch là ngày hộ, nên đề dưới đáy thế cho hiệu ký: “Trung thu tiền nhứt nhựt”, (làm trước trung thu một ngày, tức tránh được ngày mười bốn?), (hiện tôi có đĩa mà không có chén, ai có xin cho tôi biết).
f) Đồ gốm Thanh Hoá - (xin đừng lầm với đồ Thành Hoá là đồ bên Tàu).
Có thứ Tiền Tống, có thứ Hậu Đường, có thứ đời Nguyên (1279-1368). Đồ đời Đường, xưng Đường Ngọc, gốm đời Tống tặng là Tông Ngọc, mỗi món giá bằng một gia tài lớn, trên triệu, nhiều triệu. Đồ gốm đời Nguyên, cũng gọi Quan, đã là rất khó kiếm trên nước ta. Trên đồng bào Thượng thỉnh thoảng lại có, và đó là những chóe rượu cần đời Cố Hỷ lưu lai lại đến nay. Họ quý trọng lẩm, không bán đâu. Tôi dặn riêng coi chừng giả hiệu, vì bán được giá, nên con buôn thường giả mạo. Phải lão luyện sành sỏi lấm mới nên chơi các vật nầy. Nếu mua lầm, tốn nhiều tiền, rồi mau thất vọng, bỏ nghề chơi. Ngày xưa, khi làm đường xe hoả xuyên Đông Dương, phu đào đất gặp một vùng cổ mộ đời Tống tại Thanh Hoá, moi ra vô số đồ gốm cổ. Buổi sáng mỗi món thằng Passignat, chuyên bán đồ cổ ở Hà Nội, nó đến đây mua mỗi món một cắc bạc, tức một hào-chỉ (0$10). Đến buổi chiều, vẫn còn đem lại nườm nượp. Tây làm eo, trả năm xu mỗi món lành, có nứt một chút cũng không được. Ngày nay, những món sót lại, giá trên bạc triệu. Nhưng thủ lợi không phải là phu khai thông đường xuyên Đông Dương,
g) Đồ xưa da kiểu, đời Minh Thanh - Bộ môn nầy rộng lớn vô cùng, nếu bắt từ Đại Minh vua Hồng Võ, khởi sự năm 1368, đến vua chót Sùng Trinh (1643), nối qua đời Thanh từ Thuận Trị lập quốc (1644), đến Tây Thái Hậu Từ Hy (1911), giàu địch chánh phủ cũng chưa chắc đủ tiền để mua đủ bộ và đủ hiệu. Biết như vậy rồi, thì nên sắm chơi vừa phải, mua món nào thích, để cho có với người là được rồi. Nhưng bụng tham không đáy, và người chơi cổ ngoạn như bợm say rượu, như gái sai con, hứa với hẹn và thực hành, khó đi đôi. Người nầy vẫn đẻ, người kia vẫn say, còn tên chơi cổ ngoạn vẫn bòn rút vợ con để mua để sắm.
h) Đồ men lam xứ Huế - Tôi còn nhớ năm xưa, tôi viết làm vầy, nhưng có một anh ngồi ty kiểm duyệt, làm tài khôn, cho tôi viết sai, và sửa lại: “Đồ men làm ở xứ Huế”? Rõ ra anh chưa biết men lam là gì. Nay nói bleu de Huế, thì bị bắt lỗi là còn nói tiếng Tây? Tuy gọi làm vậy, nhưng vẫn là đồ Tàu, nguyên đồ các chú đem qua. Ngoại quốc mua tại đây, đem ra gần hết. Khi mua phải dè dặt. Mua vật ăn cắp chỉ nối giáo cho giặc. Bọn trộm biết bán có người mua, bắt bén ăn quen càng trộm già, và bán theo kiểu bán chạy: tiền trao cháo múc, nó bán được rồi rút lui, mình mua lầm, ráng chịu. Vả chăng mua lén đồ gian, tỷ như gặp đồ gốc của viện Huế bỉ mất cắp, những vật ấy đã có đánh số vô bộ kỹ càng, vốn là của công, sau truy ra, đã mất tiền mất của, lại thêm lôi thôi khổ thân bị đòi hỏi, đi chầu chực lòng thòng, nên đừng mua là hay hơn. Một điều dặn riêng, nói chung về mua đồ cổ, là cũng không nên quá nhát, không dám mua thì làm sao có của quý. Luận cho xác đáng, đồ gì lâu đời làm gì cũng đổi chủ, cho nên miễn mua chánh thức lại nhà buôn có môn bài thì khỏi lo, và chẳng nên mua vật nào của trẻ vị thành niên của bọn tôi tớ đánh cắp, của bọn bán dạo vô căn cứ, của bọn mua bán ve chai, những người ấy tình nghi là buôn đồ lậu, không nên rớ đến. Đại phàm, đồ xưa không khác tờ giấy bạc nhà băng, vốn là vật lưu động, hễ vào tay ai là người đó làm chủ. Đã có câu chữ Pháp “povsesion vaut titre” làm thông lệ rồi. Sở dĩ tôi dám khuyên mua sắm thêm, là vì tôi ước ao những người dư ăn dư để, nên tìm cách nâng cao mỹ thuật bằng cách tìm mua cổ vật, trước bày chơi cho vui cửa vui nhà, sau nữa hiểu biết thêm về cổ tích và lịch sử. Cũng là một lối vừa chơi vừa trau giồi văn hoá. Có người có tánh gian và chỉ muốn một mình mình có của lạ, nên xúi quân gian trộm của người khác bán lại cho mình. Đó là một mánh khóe của giới chơi cổ ngoạn, nên tránh. Bài nầy vì tôi muốn dẫn nhiều chi tiết nện đã quá rườm rà, đến lẩn thẩn. Về khoa chơi đồ cổ, không biết nói làm sao cho tường tận. Trở lại đất Huế, tuy vua chúa đã không còn, nhưng cổ tục nếp xưa vẫn còn. Nhơn vật ngoài ấy, quả rất nhiều tự ái. Không nên sớn sác khi ra ngoài nớ, rồi làm như còn ở đất Sài Gòn, xông đại vào nhà lạ rồi xin coi hoặc hỏi mua đồ cổ. Bị mắng cho biết chừng và mang xấu. Trừ những nhà buôn tôi không kể, các nhà khác đều còn giữ vật kỷ niệm, vật lưu lại của ông bà dòng họ để lại. Những nhà nầy, khi nào họ muốn bán ra, thì thường họ nhắn một người quen, làm môi giới, cho biết trước, rồi thương lượng với nhau. Giấy rách giữ lề mà. Nhứt là nhà mấy ông lớn, mặc dầu túng tiền, nhưng thể diện họ vẫn rất lo. Đừng hỏi đến, chạm lòng... Khi cần dùng tiền, các cụ sai tôi tớ ruột thịt đem ra mãi mại giùm. “Mi làm cho ta cái nầy một nghìn!” Đứa ở dạ một tiếng ba làng cũng nghe, ôm món ấy ra, bán được hai nghìn, đem về cho chủ đúng một ghim, và cả hai đều bằng lòng. Nếu bán cho người lạ mặt, sẽ được nhiều hơn gấp mấy, nhưng các cụ sẽ đỏ mặt, chửi đổng: “Quân bây vô lễ? Sao dám nhè nhà ta như vầy mà hỏi? Hói cái gì hừ? Đi ra!” Lật đật ngơ ngác rút lui, ấy là chưa hiểu tâm địa của người đất Huế.

(Viết ngày 1-7-1968)

 


27


Nghiên Mực Tức Mặc Hầu Của Dực Đức Tôn Hoàng Đế


Dẫn - Bài nghiên cứu nầy trước đây dã đăng trong Bách Khoa thời đại, số 290 -291 ngày 12 và 15-2 năm 1969 (xuân Kỷ Dậu).

Kế đó, tôi viết lại trong tập số 9 bộ Hiếu cổ đặc san, đề tựa ngày 17-6- 1973. Nhưng tập nầy xấu số, chết ngợp, cho đến nay vẫn nằm trong tủ và không xuất bản được.
Hôm nay, tôi soạn lại bài nầy là chép
 vào bộ Hơn nửa đời hư. Nếu có xảy ra việc gì chẳng lành: sách vở trong Nam bị đốt bỏ, bị tịch thu hay bị nấu làm giấy mới, tôi cầu xin trong ba bài của tôi còn lại một, là đủ cho tôi bằng lòng.

Nghiên mực Tứ mặc hầu là quốc bảo. Nay còn lưu lạc... Mấy trang nầy còn lại, ít nữa người nào đời sẽ biết giá trị của nó mà phăn lần, hoạ may tìm ra mà đem nó trả về Viện bảo tàng nhà nước. Khi ấy dẫu nằm dưới đất, tôi cũng yên tâm.

Vua Tự Đức trị vì từ năm 1847 đến năm 1883. Ông có tiếng là một ông vua hay chữ nhứt trong dòng Nguyễn Phước. Chính Thân Trọng Huề, năm xưa đã từng viết bài ca tụng tài học của vua, trội hơn cả, tài học lỗi lạc của các quan, tuy khoa giáp xuất thân, trôi đã có dịp thấy tận mắt tài ba của ngài, tiếc thay, như vịt nghe sấm, thằng đui ngắm tranh, vì tôi là thằng dốt. Năm 1958, nhơn một dịp ra Huế, lần đầu, tôi được ông chủ quản thủ Viện bảo tàng ngoài ấy, lấy châu bản ra cho xem. Châu bản là bản sớ tấu, tờ điều trần viết mực đen, chữ đen, của các quan dâng lên vua, và vua phê chữ son vào, nên gọi châu bản. Châu là chu, là son, là sắc đỏ. Châu bản triều Gia Long, chữ son phê rất ít, đôi hàng ngăn ngắn, viết thật đều. Châu bản hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị cũng na ná như thế, khi ít, khi khá hơn, không chừng độ. Duy qua triều vua Tự Đức châu bản mới thật là một rừng chữ son, chữ dày mịt, nhi nhít khít rịt và thẳng thớm, có khi trên nhiều tờ, còn nhiều chữ hơn phần sớ tấu của các quan gởi lên, tiếc vì tôi không đọc được. Đến châu bản đời Khải Định, còn thấy phê son bằng chữ Hán tự, duy đến đời ông Bảo Đại, quả là đại, ông nầy chỉ phê bằng quốc ngữ, có khi vấn tắt vỏn vẹn còn hai chữ ký tắt B.Đ, nhưng chữ thật to thật mạnh. Tôi thấy sao thì nói vậy, không biết tâng, mà còn gì nữa mà tâng. Bảo Đại học theo Tây, chơi thể thao Tây nhiều hơn cầm bút ngọc, chữ Nho, vả lại chữ Hán ông Tản Đà đã đem hết cả lên bán ở Chợ Trời.
Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo, ông hết sức tâng tiu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông rất ưng ý đến nỗi phong nghiên mực chức là Tức Mặc Hầu. Nghiễm nhiên ông đã nhân cách hoá (personnifier) một vật vô tri, một cục đá mài mực, phong quan tước hầu, vì biết dâng mực cho ông cặp kỳ, theo ý ông muốn.

Ngày nay ta đã mất tin dị đoan, mất hết ý vị thơ và thần, hết sợ ma, không còn mơ đến sự huyền bí tin tưởng phép tiên, phép tà thuật, cho nên tuy nghe vậy nhưng vẫn xem nghiên mực nầy cũng là vật tầm thường, như bao nhiêu vật và nghiên mực khác. Chớ vào cuối thế kỷ XIX, đời ông Tự Đức, khoa học chưa để chân vào nước ta còn thắp đèn dầu mù u, sang lắm là dầu phộng hoặc đèn sáp trắng - vào đời ấy có một cục đá mài mực khô ngoeo, cầm không dơ tay, thế mà khi cấp bách, muốn có mực kịp lúc, chỉ cần thổi một hơi thổi vào mặt nghiên, lức thì mực tươm ra đủ dùng. Quả là “nghiên mực tiên “, còn đòi hỏi gì nữa, và chưa lạ lùng quá sức tưởng tượng hay sao?
Ông Tự Đức vốn là ông vua hay chữ, bình sinh ông có tánh giản dị, ít sai cất ai. Ông đã nằm yên dưới lăng, nào cần tôi binh vực, và tôi chỉ muốn nói về nghiên mực Tức Mặc Hầu. Vua Tự Đức làm việc bằng cây bút thật nhiều, mỗi khi viết gặp gấp rút, không sẵn mực dưới tay, nếu đợi cung phi lấy nghiên lấy nước, mài mực thì lâu hoắc, ý nghĩ đâu có chờ mài mực và sẽ bay mất đi còn gì, những khi muốn viết vội vài chữ, hoặc ghi một câu thi hay vừa nảy trong trí, ngài chỉ hà hơi vào nghiên tức thì mớ mực cũ còn lại, lại ướt lên và tươm ra óng mướt, ôi quý hoá thay nghiên mực nầy.

Tôi tả vụng về thế ấy, làm sao có người chịu tin là sự thật nó như vậy? Nhưng tôi xin cam đoan, tôi đã từng cầm nghiên mực ấy trên tay, và đã từng tự làm thí nghiệm, và đã thấy y như đã nói.
Kỳ tôi ra Huế năm 1958, một buổi sáng tốt trời, tôi vào viếng Viện bảo tàng và được cố quản thủ, cụ Tôn Thất Đào, tiếp tôi một cách hết sức niềm nở, không biết tại mớ tóc bạc, hay vì ông là người tôn thất, có tên Đào, nên cử chỉ thật là trang nhã. Bỗng, cụ lấy nghiên mực ra khoe với tôi: “Viện Sài Gòn có cái ni không?”.
Tức Mặc Hầu (ảnh đã mất một ảnh giao Bách Khoa năm xưa cũng lạc luôn). Tức Mặc Hầu vóc lớn và nặng, cỡ hai phần ba miếng gạch Tàu, nhớ độ chừng, lối ba tấc Tây bề dài, hai tấc bề ngang, và dầy cỡ ba phân. Bởi là loài đá tỷ như đá bùn đá nổi, nên tôi so sánh sức nặng và vóc dạc như miếng gạch Tàu, thứ lát sân, lát nhà, tôi là người tục nên so sánh cũng tục. Về cách chạm trổ, thì tuyệt khéo. Nét chạm tinh vi, đá đã trơn bén sẵn, bây giờ thời gian lại ký tên vào đá bằng một màu cổ kính, Pháp gọi “patiné par le temps”, có mấy chữ mà toi cơm không dịch nổi: nếu đá ngoài trời, thì tạm gọi rêu mờ phong sương, ngặt vì đây là đá quý phái thường nằm trên đài son các tía, có lẽ phong trần từng nếm, nên dịch đỡ “lạc tinh” mấy độ với thời gian. Tôi cầm nghiên mực mà suy nghĩ mông lung, ban đầu tôi lật bề trái xem trước, và đây cũng là méo mó vì nghề nghiệp, thuở nay nghề chơi đĩa xưa dạy hễ gặp thứ gì hay thì “lật đít” xem trước, đọc ký hiệu nếu là đồ cổ, hoặc tìm gì gì nếu đó là thiên kim giai nhân? Dưới đáy nghiên là một bài văn “ngự chế” của đức Dực Tôn, đề cao đặc tính của nghiên Tức Mặc Hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên mặt chữ, sắc sảo không thể tả, tiếc vì tôi chỉ biết mò bằng tay và khen tấm tắc, chớ không biết khen bằng mắt vì mắt không đọc được chữ nào. Lúc đó tuy có thâu vào máy ảnh, nhưng chữ tế vi quá, không đọc được, vả lại ngày nay ảnh cũng mất, nên khen cũng như không.

Sau khi xem đáy, tôi xem qua hộp đựng, thì đây là một cái hộp rất mỹ thuật, làm bằng đồi mồi Hà Tiên, loại thật đẹp, thật quý, trong trẻo và vàng hực, khiến cho bài thi ngự chế nổi bật: một bài khắc trên nắp hộp và một bài nữa khấc trên mặt dưới của cái hộp, khiến tôi khen thầm, nội cái hộp nầy không cũng đủ là một mỹ thuật phẩm tuyệt tác. Như đã biết, đó là vật ngự dụng, đồ của vua dùng, thảo nào! Xem xong cả hai mặt của cái hộp, xem thêm một loạt toàn thể cái hộp chứa, khi ấy tôi mới đặt cái hộp lên mặt bàn, và lật ngửa cái nghiên xem qua bề mặt. Khúc trên đầu của cái nghiên thì chạm nổi, hình một cổ tùng, gốc ngoằn ngoèo trông thật già, già không biết đến mất trăm năm như vậy mới xứng với ý nghĩa ba chữ “thiên niên thọ”, một nghĩa khác gợi khí tiết người quân tử, hoặc một ẩn ý không tỏ ra của sự bất di dịch của triết lý Khổng Mạnh: mặc dù biến thiên, bây mặc bây, ta vẫn mặc ta!

Kế bên gốc tùng, chạm một cổ đình, cổ đình nầy vừa là một tiên động tuyệt khéo, trên nóc trổ từng miếng ngói đều đặn y như vẽ hằng máy chớ không phải vẽ bằng tay, gốc tùng và cổ đình vẫn nửa tỏ nửa che khuất trong lùm cây, mây đây mà rõ lại không phải mây, đó là lớp “yên hà” ráng đỏ khói lam, của một cảnh tiên rất khác với cõi trần tục.
Phần dưới cái nghiên, sát chưa cảnh từng đình, là một bể con, khoét sâu trong mặt nghiên, biến thành một vũng xinh xinh dùng để chứa nước cần dùng trong việc mài mực. Giữa cái bể tí hon ấy có một cù lao đủ sức lớn để chứa chỗ đứng cho tám vị tiên ông đang chùm chùm nhau lại và hình như đang chăm chú ngẩm nghía thưởng thức một bức tranh cổ, mà mỗi ông tiên tranh nhau nấm một chéo nhỏ, xem tuồng tranh nầy quý giá lắm, nên phải thận trọng từng ly từng tý trong khi chiêm ngưỡng làm vầy. Còn chung quanh cái nghiên, vẫn có chạy một đường hồi văn kiểu “chân muỗi “, đây là mượn danh từ chuyên môn của Pháp mượn lại trong danh từ Trung Hoa, Pháp gọi “en pattes de mouche”, tuy gọi làm vậy, theo tôi chỉ tàm tạm được, vì tôi thấy chân muỗi chân ruồi vẫn chưa mịn và sớ to hơn những nét chạm li ti nầy. Cả hồi văn và bức chạm “tiên ông ngắm tranh” nói nãy giờ, dành làm khuôn viên cho một khoảnh chạm khuyết, đó là mặt chính của nghiên mực, phẳng lỳ và trơn tru, chiếm trọn phần nào còn lại của mặt nghiên. Khi mới xem, nhứt là khi không để ý, thì chẳng thấy gì là đặc sắc. Nhưng khi tôi định thần và nhìn kỹ lại, khi ấy tôi mới khám phá ra, tuy chỗ mài mực nầy xem dường bằng thẳng, nhưng vẫn có bảy tám chỗ u lên cao, xem lạ lạ: y như nốt mắt cá, mắt cây trên mặt gỗ, trộng cỡ đầu chiếc đũa, sắc lại dợt, bạch hơn màu đá ở chung quanh, nói nghe tục y như mụn có cồi nổi trên da mặt mấy chàng thanh niên đòi vợ và của mấy cô “mống chuồng”. Nhờ hỏi thăm và tra cứu lâu hoắc, sau nầy tôi mới rõ đó là những túi nước (poche d eau) huyền bí của nghiên Tức Mặc Hầu, theo sách Trung Hoa gọi đó là “cù dục nhãn”, nôm na là mắt chim cù dục. Tôi tra khắp tự điển, chỉ có bộ Gustave Huế ghi “cù dục là một loại hoạ mi” (grive), nhưng ở ngoài anh em, cãi lại đó là chim cút. Bây giờ tôi cầm nghiên mực, nắm chặt cả hai tay vì sợ rủi ro, tôi xem trước xem sau, xem trên xem dưới, xem cùng khắp, nhưng mắt phàm tài dốt, tôi không thấy có đặc điểm nào khác lạ với những nghiên mực đá mà tôi từng thấy bấy lâu bất quá nghiên nầy khéo hơn, nét chạm tinh vi hơn, chỉ có thế thôi.

Tôi vừa định hoàn lại ông Đào, nhưng ông biết ý, nói nho nhỏ vào tai tôi: “Đâu, cụ thổi mạnh một hơi vào, coi nào”! Tôi vâng lời, nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực. Thổi rồi, tôi giựt mình, hết sức ngạc nhiên, vì dưới ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống trên mặt nghiên, rồi vụt biến mất, sau khi rà sát vào mặt nghiên.
Ông Đào cười, rồi bảo tôi lấy ngón tay quệt thứ trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác tôi đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay. Mà chớ chi nghiên đá nầy “nông nước”, ẩm ướt tỷ như đá mài dao, đá bùn, thì đâu có chi là lạ. Đàng nầy, trước khi tôi hà hơi vào, thì rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao khi có chút hơi “cầm thực” thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ “cù dục nhãn” kia, bèn thi hành phận sự, và nương đà hơi thở của tôi mà tiết ra đủ số nước cần thiết để làm cho có mực, ít nào cũng đủ cho một người hối hả, xoe tròn ngọn bút, vét tém đủ mực để lão lạo vài hàng, nguệch ngoạc một chữ ký hay thảo lược một câu thi vừa mới nghĩ ra. Ô, sướng quá, thần bí quá, và quý hoá quá! Trong thời buổi chưa chế tạo ra cây bút chì, cây viết bi “atomic” chưa sanh, các loại bút máy chưa ra đời, Waterman, Parker, Sheaffers chưa có, người nào có dưới tay một nghiên mực có phép lạ như vầy, lại không lấy nó làm quý và tự mình hãnh diện làm sao? Phong Tức Mặc Hầu, thật đáng. Nhớ đâu năm xưa nghiên mực nầy được trị giá nhiều triệu bạc, gẫm không lạ.
Năm nay, nếu đánh giá lại, thì biết mấy chục mấy trăm triệu mà nói Nhưng Tức Mặc Hầu đâu còn? Hay là chưa thấy yên, nên chưa trổ mặt? Vàng lá hiệu trải núi, mấy chục xấp, nào có nghĩa gì. Kiếm vàng còn dễ, nghiên mực nầy mới thật khó tìm. Trong mấy năm chụp giựt trước khi nhào đổ, một nhà xuất bản tiểu thuyết đầu độc, loại Kim Dung làm giàu bằng cách thuê máy bay đón mua bản thảo mỗi tuần, và mỗi tháng y có hoa lợi đủ xây một từng lầu cho cao ốc của y nay bị của thiên trả địa. Một tên thợ giặt đồ dơ, đừng vội chê làm nghề hèn hạ, anh hốt bạc xây buynh-đinh như thợ mã phất giấy đồ minh khí, cả hai người lo làm giàu, cũng không ai trách duy không ai nhớ mà tìm lại nghiên mực Tức Mặc Hầu, vậy tiền của dư, để làm gì Dầu sao, nghiên mực nầy, thì ông Diệm chầu diêm vương, nghiên mực thất lạc cho đến nay, thật là chúng ta đã quá hờ hững với một vật báu ta quá xem thường.

Một bảo vật, thế gian hy hữu, một trân ngoạn thế thượng vô song, mà để mất, thì quả người Việt ta không biết chơi cổ ngoạn. Nếu tôi có mê nghiên mực Tức Mặc Hầu, thì khang khác trăm ngàn người trẻ ham xem ciné, trai trẻ mê hình dung các cô đào trên màn ảnh, thì tôi mê đồ cổ. Giá thử bây giờ ai tìm gặp đem cho tôi nghiên mực Tức Mặc Hầu để tôi đem về nhà làm của riêng, thì tôi cũng lạy dài mà từ chối vì số tôi bạc phước, đâu có đủ sức cầm nổi nó, làm chủ một vật quý như nó.
Ấy thế mà có người mê cái nghiên nầy còn hơn tôi, nhưng đó là viêc tôi sẽ giãi bày nơi sau, và đây xin cho tôi tả cái nghiên nầy trước đã.
Tuần báo Nhân Loại, số Xuân năm Kỷ Hợi (1959), có đăng bài cúa cố giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu khảo về nghiên nầy, tôi xin phép đăng lại nguyên văn:
SỰ TÍCH MỘT CÁI NGHIÊN XƯA.
Ở Viện bảo tàng tại đế đô (Huế) có một cái nghiên. Ông coi viện lấy làm vinh hạnh, khi có một người lạ đến thăm viện, để cho ông được dịp chỉ cho xem một cái nghiên xưa, mà ta thường gọi là nghiên của vua Tự Đức.
Tôi đã có nhiều dịp vào Huế để nhìn cái nghiên nầy.
Đã biết bao báu phẩm của ta bị mất.
Còn lại cái nghiên nầy
Tra trong sử, ta thấy một sứ liệu về cái nghiên cứu lịch sử nầy.
Tôi xin sao sử liệu ấy ra đây:
Năm Nhâm Dần (năm thứ hai triều vua Thiệu Trị, năm 1842) tháng mười có người dâng cái nghiên xưa.
Dài bảy tấc bốn phân, rộng bốn tấc bảy phân, dày năm phân.
Chất bền mà láng bóng, kiểu xưa mà đơn sơ.
Rõ ràng một phiến “ngói âm dương” mà người xưa đã nhân hình dạng, đục ra chỗ chứa nước, chỗ mài mực.
Đầu nghiên có khắc bài minh rằng:
1. Kỳ sắc ôn nhuận
2. Kỳ chế cổ pháp
3. Hà dĩ trí chi.
4. Thạch cừ bí các,
5. Cải phong tức mặc,
6. Lan đài liệt tước.
7. Vĩnh nghi bửu chi,
8. Thơ hương thí thác.
Bài thơ bằng chữ Hán đó khó dịch lắm. Có những chữ không có thể dịch được. Đại khái nghĩa bài thơ như sau nầy:
1 Sắc nghiên ôn nhuận.
2. Kiểu nghiên cổ phác
3. Nên đặt chỗ nào?
4. Thạch cừ bí các,
5. Tức mặc đối phong,
6. Lan đài dự tước,
7. Quý báu đời đời,
8. Thơ hương phú thác.
Bài minh bằng chữ Hán đã được các quan bộ Học dịch như trên.
Có một điển tích, ấy là đi xưa phong cai nghiên là Tức Mặc Hầu. Tức Mặc là tên đất, mà nghĩa là chánh, tức là tới, mạc là mực.
Vậy nên đời xưa, nhân tên đất mà phong hầu cho ai nghiên, lại có ý riêng là ai đựng mực. Lan đài là nơi làm sách. Nơi ấy phải cần nghiên bút.
Nghiên là Tức Mặc Hầu.
Bút là Quản Thành Tử.
Nhhiên là bút đều dự tước trong lan đài cả.
Sau bài minh đã dẫn nói trên, ông Tô Thức xưa khắc hai cái ấn.
Một cái khắc hai chữ “Kỳ trân”, nghĩa là quý lạ.
Một cái khắc hai chữ “Tàng bửu” nghĩa là báu kín.
Ông Tô Thức là một vị hay chữ đời Tống.
Sau lưng nghiên có khắc bốn chữ “Thạch cừ các ngoã”, nghĩa là ngói ở Các Thạch cừ.
Dưới lạc khoản mấy chữ rằng: “Nghiên nầy chế tại tháng tám, năm thứ ba, hiệu “Nguyên phù”.
Ngài truyền đem nghiên ấy dâng vào sở Kinh diên.
Rồi ngài truyền Nội các như sau nầy: (Ta đừng quên rằng ngài Thiệu Trị rất hay chữ): “Nghiên nầy là nghiên Các Thạch Cừ” xưa.
Nguyên Các ấy từ Tiêu Hà lập ra đế chứa đồ tịch. Đến năm thứ ba, hiệu Cam Lộ, vua Tuyên đế nhà Hán, hội các nho thần giảng kinh tại đó.

Từ năm thứ ba hiệu Cam Lộ đến năm thứ ba hiệu Nguyên Phù đời Triết tôn nhà Tống, Tô Thức mới được phiến ngói ấy, làm thành nghiên, cả thảy một ngàn một trăm bốn mười chín năm (1149).
Từ khi ấy đến nay, lại được hơn bảy trăm bốn mươi năm nữa (740). Thời nghiên nầy gốc tích là đời Hán, làm thành đời Tống, mà xuất hiện ra đời nay, thiệt là một vật báu về việc hàn mặc.
Bây giờ cách sau Hán Tống đến hơn hai ngàn năm mà văn minh thịnh hội cũng như Hán Tông trước, há chằng phơi là vật quý báu Trời Đất đẻ dành, đợi thời mới bày to ra hay sao?
Trong đạo chuộng văn, khác thời thế, mà chumg một vật báu đời nay cùng đời Hán Tống xưa, chừng có cơ duyên khế hiệp với nhau chăng?
Âu Dương Tu đời Tống xưa có câu rằng: “Ai ưng vật gì thời vật ấy ấy thượng tụ hội tới”. Nghĩa là vậy đó!

Trên đây tôi sao nguyên văn một sử liệu trong bộ Chánh biên.
Một câu hỏi đặt ra: “Ai đã dâng nghiên xưa nầy lên ngài Thiệu Trị?”.
Phải chăng là một người Tàu? Người nầy đã biết giá trị của cái nghiên và đã biết đem dâng cái nghiên ấy lên nhà vua.
Vua Tự Đức đã thường dùng cúi nghiên đó.
Thực là một quốc bảo, còn giữ được đền bây giờ, đúng là một sự lạ vì chưa ai ăn cắp hay đập vỡ.

Nguyễn Thiệu Lâu

                                        ***
Lời bàn của tôi - Ông bạn quá cố Nguyễn Thiệu Lâu, quả có một lối hành văn mới mẻ. Xuất thân cử nhân văn chương Pháp trường Đại học Sorbonne ông nhiễm nặng và học viết như Tây, bỏ hết những gì lược bược, còn lại toàn đại ý, cũng không cần nối kết, hà tiện lời nói, theo tôi đây là một lối văn “viết điện tín”, hay là để nhại ông chơi, một lối bắt chước cây kềm đục nút khoét đục khuy áo, văn của cây kềm chuyên bấm lỗ vé xe lửa (à l emporte-pièce) như vậy có thành văn chăng, tôi không dám trả lời. Như trên đây, ông dịch bài Hán văn về nghiên mực trong bộ Chánh biên, nhưng ông không cho biết ý kiến của ông. Đó cũng là một điều đáng tiếc, vì đám hậu sanh không thấy lời phê bình của một người từng đi ăn học tận gốc bên Pháp hấp thụ văn Pháp đào luyện tại Sorbonne, từng viết bài cho tạp san trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội và như lời ông nói, từng thấy nhiều lần, nghiên mực nầy khi còn nằm trong tủ quý của Viện bảo tàng Huế.
Mấy năm trước đây mỗi sáng sớm có dịp ngồi xe buýt trên đường Hồng Bàng, khi xe chạy ngang hoa viên trước Thánh đường Ngã Sáu, khu cư xá Minh Mạng, tôi thường thấy một ông đầu sói, ngồi nơi ghế xi măng, hai tay chống đầu gậy tre, đăm chiêu nhìn xuống đất, y như con chim thằng bè, vừa móc hết bọc cá nuôi bầy học trò đói chữ, nay ngồi đây thu hết tàn lực của một người chiến bại, van xin chút hé mặt trời sưởi ấm buổi tàn niên. Có một lần, tôi định bụng nhảy xuống xe đón chào người bạn cũ, nhưng lại đổi ý, hẹn một dịp khác, mảng chần chờ bỗng được tin buồn: giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu đã từ trần. Một chút nầy đủ thấy tôi hư hay nên! Trong bài mấy chữ chót: chưa ai ăn cắp hay đập vỡ. Tại sao ông có ý nghĩ như vậy, tiên tri chăng?
Nay tôi mạo muội cho biết ý kiến của tôi, giáo sư Lâu đã không còn, bớt được qua cửa một nhà sấm, mà dám khua trống:
Việc nghiên cứu để hiểu đích xác về xuất xứ, cũng như về niên kỷ, thời đại, của một cổ vật đã mất hết chứng tích, tỷ dụ nghiên mực Tức Mặc Hầu đang nói đây, theo tôi, quả là một vấn đề nan giải.
1) Nghiên không có ký niên hiệu nào để dò theo đó mà định tuổi. Tỷ dụ, một hình cổ, đề Khang Hy niên chế, thì ít nữa tra niên biểu, ta biết được hình ấy làm vào khoảng những năm vua nầy trị vì, tức từ năm Nhâm Dần 1662 đến năm Nhâm Dần 1722 dương lịch (vua nầy ở ngôi đúng một con giáp, tức sáu chục năm). Biết như vậy là biết tạm, còn việc bình ấy là giả hay thiệt, là một việc khác nữa, ở đây tôi xin miễn bàn. Riêng về nghiên mực, thấy ghì “Có mấy câu thi” và có ghi bốn chữ “kỳ trân” “tàng bửu”, thêm nữa có con dấu của Tô Thức, bao nhiêu chi tiết ấy không đủ đảm bảo và không thể tin được hòng đoán chắc, vì bất kỳ ai hoặc đời sau, đều có thể khắc chạm trên, và lấy đâu làm bằng.
2) Bài thi và bốn chữ kia không đủ làm kiểu thức (style), nên không thể định tuổi nghiên được. Trái lại, nếu nghiên không bao giờ tách rời khỏi viện Huế, thì nội bằng chứng “còn ở y chỗ cũ ấy” đủ giúp ta tin được rằng nghiên đã có bao nhiêu tuổi (tính từ khi nạp cho vua Thiệu Trị), mà cũng không thể nói tuổi chánh của nghiên “sanh từ năm nào”. Có ba tuổi của nghiên 1) Tuổi của cục đá làm ra nghiên. 2) Tuổi của năm chế ra nghiên. 3) Tuổi của năm dâng nạp lên vua.
Định tuổi cái nghiên nầy, chò tôi nói tục, không khác biệt niên canh của một kim chi ngọc diệp không bao giờ xuất cung, và niên canh của một nhành vàng lá ngọc sa chân trái bước lạc loài. (Dẫu rằng có trình thẻ căn cước, cũng không đủ đảm bảo). Và vì vậy, mua đồ cổ là cứ mua, định tuổi món đồ ấy là việc khác, và chắc hơn hết là lấy món đồ đem so sánh với một món y hệt nằm tại các Viện bảo tàng công cộng và lấy nghiệm xét nầy làm mấu chốt để định đoạt.
3) Chất liệu của nghiên là một miếng ngói (ngoã) từ đời Hán. Nếu khảo nghiệm theo phương pháp chắc chắn nhứt là thử theo carbone 14, nhưng phương pháp nầy không áp dụng cho nghiên được, vì phái huỷ cái nghiên mới thử được, và vì nó là món duy nhứt, thì không thể huỷ (Theo tôi hiểu, thử với carbone 14, là khi nào ta có nhiều món đồng một thứ và có thể huỷ một món để thí nghiệm). Đã biết nghiên mực là một miếng ngói, thì sao có chỗ lại nói là làm bằng đá núi Đoan Khê (Đoan Khê Thạch) thiệt là rắc rối. (Tôi lại có thấy một nghiên mực rất nặng, bằng đá trơn lu bóng ngời, mà người chủ nói nghiên làm bằng một miếng ngói cung Vỉ Ương, tôi không trả lời, tôi không trả lời, để cho người chủ mừng mình có một vật báu, chớ nếu tôi nói “miếng ngói nầy làm sập nắp cung, và nghiên của anh, tôi không tín là ngói mà là đá”, thì tôi mất một người bạn, có ích gì cho tôi?
Về carbone 14, chính tôi cũng chưa biết đó là gì, chớ đừng nói người tay mơ như phần nhiều độc giả làm sao biết được. Tôi đọc trong sách, thấy nói người Mỹ họ chiu thí nghiệm, là đối với một cổ vật công cộng, của một viện hảo tàng, và cuộc thí nghiệm nghe nói mắc tiền lắm, là để giúp sự hiểu biết chung và sự hữu ích chung, chớ thí nghiệm cho tư nhân thì họ chưa hề. Lại nữa, phải thí đi một món ấy, nên cũng không nên đòi hỏi lắm. Còn một điều nữa là sự cách biệt xa đến vài trăm năm, tỷ dụ thử một cổ vật bằng đồng đời Hán, có 2000 tuổi, nay ta trừ đi sự sai biệt 200 tuổi, thì còn 1800 tuổi, cũng còn miễn cưỡng; chớ như nếu món ấy làm vào đời Kiền Long (1736-1795), đem làm vật thí nghiệm, rồi trừ đi 200 năm, thì có còn lại giống gì nữa đâu? Trái lại, nếu theo phương pháp Á Đông, thử bằng mắt nhìn, bằng kinh nghiệm, thì đã thi vị hơn nhiều, lại không tốn kém. Ta có câu: “lấy mắt xanh biết vật”, “thần nhãn” v.v...
Cái thú chơi cổ ngoạn là có mắt hơn người, chớ nếu dùng máy đo và dùng mãi khoa học carbone 14, thì chết mất thú chơi cổ ngoạn. Đó chỉ là một cách giỡn tiền hoặc khoe của của các nhà trọc phú.
4) Nhắc lại một lần nữa, nếu nghiên Tức Mặc Hầu không lưu lạc, tỷ như lúc còn ở tại viện Huế trước 1959 nó đã được ghi vào sổ bộ, thì vẻ tôn nghiêm vẫn còn, nó sẽ dùng làm vật mẫu để so sánh. Nhưng từ ngày nó lạc loài, như mất căn cước, một ngày nào gặp lại nó, cần phải điều tra, thí nghiệm lung tung, trước khi trả căn cước cho Tức Mặc Hầu, buổi tái ngộ trùng phùng.
Trong Từ nguyên từ điển, thì “Thạnh cừ bí các” là một phòng, một viện, một các, do ông Tiêu Hà đời Tiền Hán (năm 206 trước Tây lịch), lập ra để chứa sổ sách cũ của nhà Tần, bị vua Hán Cao tổ Lưu Bang chiếm đoạt.
Xét về ngày chế tạo nghiên mực, thì tháng 8 năm thứ 3 của niên hiệu Nguyên Phù đời vua Triết Tôn nhà Tống (1099) bên Trung Quốc, thì đồng thời với vua Nhân Tông đời Lý nước ta.
Xét về nhân vật, tên Tô Thức, ký dưới bài minh, thì đó là ông Tô Đông Pha, không ai không biết. Ông sinh sống vào đời Tống Triết Tông. Bài thi do ông đề và những khuông dấu “Kỳ trân”, “Tàng bửu”, “Thạch cừ các ngoã” cho ta biết một đôi phần, và chỉ một đôi phần thôi về giá trị lịch sử của cái nghiên, nếu nghiên nầy đúng là nghiên chánh hiệu. (tức không phải nghiên giả).
Trung Hoa là đất văn hiến. Trong sách sử còn ghi lại danh tánh nhiều nghiên mực cổ quý giá, như “Đoan Khê”, “Thương Bích”, “Đế Hồng”... Lại có một thứ nghiên danh là “Đồng ngoã”, tức nghiên chế bằng những tấm ngói cổ của đài Đồng tước của Tào Tháo, đầu thế kỷ thứ 3 dương lịch. Xin đừng nói theo câu ca dao Việt: “Đền bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”, rồi tưởng rằng ngói cũ còn nhiều lấm. Xin thưa: đời hết loạn ly nầy đến loan ly khác, thân ngói không còn lại bao nhiêu, và những nghiên làm bằng ngói và những ngói cổ dành làm nghiên, dưới mắt tôi đều là giả. Có một nghiên thật, đó là nghiên Tức Mặc hầu của Việt Nam, một quốc báo, thì nó đang xa chạy cao bay.
Nay cho tôi bàn thêm về nghiên mực làm bằng ngói cổ: Một tấm ngói âm dương đời Tiền Hán, tuổi trên hai ngàn năm, lấy nó làm nghiên mực, thì ai dám phủ nhận giá trị lịch sử của nó.
Huống chỉ nó được điểm xuyết thêm, nào bài minh của chính tay của Tô Đông Pha để lại, nào con dấu khắc từ đời Tống Triết tông (1099), với chữ “Kỳ trân”, “Tàng bửu”, “, “Thạch cừ các ngoã” mỗi chữ đáng ngàn vàng ấy, một ngoã nghiên quý giá như thế, sản xuất nơi một nước tồn cổ có đến ngót một tỷ dân, thế mà có một lúc lọt về nước Nam, thì đã là một may mắn hiếm có cho nước mình, đến phiên ta giữ, thì ta làm mất, và không lo tìm, hỏi ta có đắc tội với hậu thế hay không?
Đến đây tôi còn phân vân, biết đâu chừng, và phải chăng, vào đời ông Tô Đông Pha là lúc văn chương Hán học đang trong thời kỳ cực thịnh, thì cái nghiên nầy và cây bút là những vật cần thiết cho nhà nho, như vậy và cố nhiên người ta chế tạo không phải vài cái nghiên mà khá nhiều nghiên, với những ngói cũ, ngói Thạch Cừ các, lúc đó cũng có thể tìm được, không nhiều thì ít. Cho nên tôi nói, vào đời Tống, đã có tạo nhiều nghiên “Thạch cừ các ngoã” rồi. Và phải chăng dưới một đời nào đó, sau đời Tống, với một tấm ngói cổ tìm gặp trong một ngôi đền cổ chùa cổ nào đó, rồi một nhà điêu khấc kiêm thi sĩ khéo tay, sẵn tánh hiếu cổ, bèn ra công chế tạo thành nghiên mực, rồi khắc niên hiệu Tống, chạm thêm bài minh của Tô Đông Pha vào, nói thẳng ra, đã làm cóp-pi (copie) nghiên cổ, để đến nay, thêm mấy trăm năm lạc linh (patiné) thì làm sao biết được nghiên thật, nghiên giả?
Pháp mượn của Anh ngữ, từ “pedigree” để nói về lý lịch của con chó rặt dòng. Xin cho phép tôi nói tỷ dụ, khi một món đồ cổ còn trong Nội phủ nhà vua là món ấy còn pedigree, còn rặt dòng, và tin được. Nó quý phái và ta sẽ dùng nó làm mẫu để so sánh và định tuổi các món cùng loại gặp lạc loài ngoài phố, trong hiệu buôn hoặc nơi hẻo lánh nào đó. Khéo truy nguyên và một người quen mắt sẵn, sẽ định tuổi món đồ lưu lạc không khó. Nhưng một món thế phiệt mà tách khỏi chỗ nó ở, thì mất pedigree và giá trị đã suy giảm đi nhiều. Mánh lới và thú chơi cổ ngoạn gồm bao nhiêu đó. Say mê và bị vợ con rầy rà cũng bao nhiêu đó.
Trở lại nghiên mục, dẫu nay có một nghiên nghiên “Thạch cừ các ngoã” tự tay Tô Đông Pha sáng chế, quý báu thật nhưng không thể đổi với Tức Mặc Hầu đã mất, vì nghiên Tức Mặc Hầu là của Dực Tông hoàng đế (Tự Đức) truyền lại ta, nó có tánh cách lịch sử Việt. Cho nên một lần nữa, tôi xin người nào làm về văn hoá bây giờ, phải xem là một trách nhiệm lớn, việc tìm cho ra manh mối nghiên Tức Mặc Hầu. Phải đem nghiên về cho nằm ở Viện bảo tàng vườn bách thảo vì nó là của chung của dân Việt.
Đến đây tôi trở lại chuyện một người mê cái nghiên Tức Mặc Hầu hơn tôi bá bội. Mê đến bất chấp lương tâm. Người đó khi đã chết, người ta lập biên bản thống kê tài sản, mới biết y muốn lưu di năm chục ký lô vàng. (theo công báo của chánh phủ Sài Gòn trước). Ấy là thuở sanh tiền, ông có tiếng là thanh liêm số dách (số một). Đã ham hai chữ thanh liêm, lại ham chi cái nghiên Tức Mặc Hầu vì đó là một nghiên đá lọ lem, mặt dính đầy những mực. Người đó đã đem nghiên mực về Sài Gòn, làm chủ riêng một mình. Thấy gương nầy, tôi ngụ ý trên đời, không nên sớm khoe mình trong sạch, quá mức thì hết thanh liêm. Nhớ lại chuyện ông huyện tuổi tý, bởi thanh liêm nên nghèo. Sau đó ông biết được chầu xưa dân đi lễ cho ông một con chuột đặc bằng bạc nén, cho nên ông mới kéo dài tuổi hứa cho đến buổi thắt ngặt nầy. Chẳng lành mà chớ, ông than một tiếng làm bay mất hai chữ thanh liêm, vì ông trách vợ năm xưa, sao không nói với dân mình tuổi sửu, cho món lễ lớn bằng con trâu, những là sướng hơn; Về ông tôi nói chuyện đây, cho đến ngày ông chết, tôi thấy ông đi đâu, cũng na một món nỉ cũ trên đầu và một gậy mây cầm tay. (Gậy và nón nầy nay về tay ai?). Trọn đời, ông làm như không màng đến của cải (nội b hạ ông vơ vét cũng đủ chết cha dân), thế mà ông đam mê chi cái nghiên mực đá, nghĩ cũng lạ thật. Sau tôi nghiệm ra, đó là nghiệp chướng. Tôi không cần hài tên ông, nhưng ai còn giữ bộ tạp san Đô thành hiếu cổ Huế, sẽ thấy tập năm 1917 có một bài Pháp vãn khảo về nghiên mực của vua Tự Đức. Lúc nhỏ, ông học trường Hậu bổ ở Huế, và để cho người biết danh, ông viết bài văn đây nầy, ông dịch lại kỹ càng những bài thi chạm trên hộp đựng và trên nghiên mực, và kê khai rành rọt những loại đá quý mà người Trung Hoa dùng để làm nghiên mài mực, trong các loại đá ấy, có một thứ lấy từ trong núi Đoan Khê là tốt nhứt. Nhưng nào phải mỗi viên đều quý. Trong số vạn ức triệu nghiên Đoan Khê thạch, thỉnh thoảng mới gặp một nghiên mầu nhiệm như nghiên Tức Mặc Hầu, và cái nghiên nào có cù đục nhãn, thì gì là ngọc chớ không kể là đá nữa. Đối với ai có tánh hiếu kỳ, muốn biết thêm về nghiên mực lạ nầy tôi xin khuyên nên tìm đọc bài khảo cứu công phu của ông và của một tác giả Pháp tên E.Gras, đều in trong tạp san san Đô thành hiếu cổ Huế (bulletin des Amis du Vieux Huế) năm 1917. Khi ông lên tột phẩm nấc thang danh vọng, thì có người ở Huế biết chỗ nhược của ông và để củng cố địa vị cho mình, bèn ôm nghiên mực vào Sài Gòn tấn công. Tôi biết chắc việc ấy vì từ năm 1959 đến năm 1962, mấy lần ra Huế, tôi hỏi thăm thì ngoài ấy nói với tôi Tức Mặc Hầu đã vào Nam. Và ngày nay ý muốn của tôi là muốn sao nếu nghiên mực nầy hết duyên nợ với Viện bảo tàng Huế, thì nó phải được thu hồi cho về ở Viện bảo tàng trong nầy mới là xứng nơi xứng chỗ. Phải nói tôi theo dõi viên ngọc Tức Mặc Hầu, và theo bén gót như bóng với hình. Sau khi dinh Gia Long bị công phá, ông bỏ chạy kế bị giết vào hôm sau. Nghiên mực cũng mất tích luôn từ đó. Tôi cứ phăng dò mãi tuy vẫn tìm chưa ra manh mối đích xác. Sau ngày đảo chánh, ai nấy lo mất nước mất nhà, tôi lại lo mất nghiên mực. Tôi hỏi khéo ông quản gia có phận sự gìn giữ đồ vật của dinh Gia Long, ông nầy trả lời ông chẳng bao giờ nghe thấy điện có nghiên mực nầy.
Tôi không ngã lòng, day qua mượn ông nhạc gia của quản gia hỏi chắc chú rể, ông cũng đinh ninh một hai ông không biết. Hỏi mãi có người đưa ra thuyết hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã, qua Paris, hoặc mụ em dâu ác ôn đã ôm bán quách cho nước ngoài rồi. Kịp đến tháng 9 năm 1964, tôi cũng bị cho ra rìa, thôi làm quản thủ công nhựt Viện bảo tàng nơi vườn bách thảo.
Nhưng tôi không thôi theo dấu nghiên mực quý đã bị ai lấy mất từ trong dinh Gia Long. Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở, rằng nghiên mực Tức Mặc Hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn ở lẩn quẩn đâu đây hoặc vùng Sài Gòn, hoặc còn trong nước không xa, và ở thẳng tay một người nọ: và nghèo lắm túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng va không khứng lìa ngọc Tức Mặc Hầu. Tôi đã ráng hết sức, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây, những ai có lòng với văn hoá, biết bảo tồn quốc tuý, hãy cứu vớt nghiên mực khỏi bước lạc loài.

 

 

 

28


Chuyện Bảy Cây Ngọc Như Ý

Thấy Tại Đài Bắc, Năm 1963


Cái sẩy nẩy cái ung. Nói chuyện viên ngọc Tức Mặc Hầu, ngứa miệng nói luôn chuyện bảy khối ngọc trước kia vốn cũng của nước Nam, nay Trung Quốc chế thành bảy cây Như Ý ngọc để tại Viện bảo tàng Đài Loan, năm 1963, tôi còn thấy.
Chuyện nghiên Tức Mặc lầu là chuyện gần đây; chuyện một người ham có ngọc, mà còn ham làm chính trị chánh trị luỵ thân - thân đã tan nát mà ngọc cũng mất theo, làm chánh trị dở, báo hại nước nhà mang hoạ lây. Đến như bảy cây ngọc chế thành bảy cây Như Ý, rõ lại công khéo tạo thành là công khéo sáng chế của người ngoại bang, còn ngọc nguyên khối, bảy cây to tát biến thành bảy món đồ chơi trân ngoạn, rõ là gốc của Việt Nam, do một vua bất tài, Lê Chiêu Thống, ôm chạy sang Tàu, khóc lóc xin binh về đánh với Tây Sơn, đánh không lại, bỏ xác tha hương, tội hối lộ ngọc tốt đổi binh bất tài luôn, binh Tàu đại bại, nhưng ngọc hối lộ cho Kiền Long, nay tôi được cầm trên tay nhớ chuyện xưa, bất nhẫn vì trên đầu trên cổ thuở nay đều là quân ăn hại báo đời, nước Việt vốn không lớn, vì sao có ngọc để chúng đoạt quá nhiều; và ngọc là quý, quý chỗ nào, mà vẫn bị quân gian ăn cắp.
Mảng nói dông dài mà chưa vào đề hư hay không xin hỏi?
Tôi viết bài nầy, không có ý khoe; khoe chỗ nào? Gần suốt một đời, ngu và hư hơn người thì có và động động biết được một chút gì là vội nói ra cho hết thảy cùng biết, người có trí đâu có làm như vậy.
Trước đây, có người công du dễ dàng, xuất ngoại như mình an cơm bữa mình nửa năm chưa vô thăm mì Chợ Lớn một lần, mà họ tuần nầy sang Mỹ, mua cái bốp đầm cho mụ xã, tháng sau bay qua Pháp ôm kẹo về và xì líp lậu cho nhà đoan nó bắt nó la tùm lum, hỏi họ thấy nhiều hiểu xa, sao không thuật lại cho những người nằm nhà cũng nghe với? Tại họ khôn và ích kỷ.
Chuyến đi Đài Bắc năm 1963 của tôi kể cũng là một dịp may khó gặp hai lần trong một đời người. Nói có vong linh ông Trần Thành làm chứng. Lúc đó, ông là Phó Tổng thống nước Trung Hoa Dân quốc ông đã mất từ lâu.
Đầu năm 1963, ông qua viếng trả lễ nước Việt mình, và một bữa sáng nọ ông và đoàn tuỳ tùng ghé viếng Viện bảo tàng sau khi dạo chơi vườn bách thảo. Không biết cái gì khiến, ông vui miệng, mời tôi hãy qua cho biết Đài Bắc và Đài Loan. Tuy nghe mời mọc, cũng vui tai, nhưng tôi cám ơn ông chiếu lệ, cũng không mừng gì mấy, vì từ cái mời đến cái thực hành còn xa, nghĩ mình phận mỏng, bấy lâu thất vọng đã nhiều chừng nào việc tới sẽ hay. Vài tháng sau, hãng máy bay cứ thúc giục mãi, và cho hay vé khứ hồi đã sẵn, phái kíp dùng kẻo quá hạn. Mà cơ khổ, sự lên đường nào phải tự tôi định được. Một thứ “thầy thông” trước làm cho Tây nay lỡ độ đường, vô làm kiếm cơm, quyền quản thủ công nhựt Viện bảo tàng nầy, mà sức mấy. Tuy vậy, chiều ý hãng máy bay và để tránh bất cập, tôi cũng đến toà đài sứ Trung Hoa, lúc đó còn ở chỗ cũ nơi đường Pasteur hỏi cho biết nếu được đi, chẳng hay có được lãnh chút ít tiền trợ cấp chi chăng, tỷ như liền lộ phí, tiền ăn, tiền ở là bao, xin vui lòng cho biết, để cụ bị thêm. Ông tuỳ viên văn hoá tiếp tôi niềm nở, nghe tôi hỏi, nhoẻn miệng cười, và đáp tỉnh khô: “Thưa, nước chúng tôi không có thông lệ đó Chúng tôi không cấp phát số tiền nào hết, “tiên sinh” là khách quý của ông Phó Tổng thống của chúng tôi nên chúng tôi “bao” hết. Ông ăn mì chúng tôi trả tiền mì. Ông đi coi hát chúng tôi trả tiền coi hát. Vậy thôi! Cái gì chúng tôi cũng đài thọ hết. Ông nên đi chơi một chuyến đi! Đi! Đi mà! Xin đừng có sợ!
Xin đừng có sợ! Câu khuyến khích thiệt là gọn ghẻ, rặt Ba Tàu, và thiết thực không chỗ chê. Tôi còn nán lại nêu vài việc khó, vốn tịt mù tiếng Ăng lê còn như tiếng Tàu, chữ Hán, tiếng phổ thông, tiếng Quan thoại, tiếng Quảng Đông, hầm bà làng, tôi đều Uất Trì Cung. Bấy lâu nếu có viết lách, nghiên cứu, diễn thuyết, đều qua chứ Pháp, tiếng Pháp, ọ e vậy mà?
Ông tuỳ viên văn hoá, người phốp pháp vững như bê tông, an ủi tôi bằng một nụ cười ngoại giao và ân cần dặn đi dặn lại: “Đừng có sợ! Bên Đài Bắc, thiếu gì sinh viên của quý quốc”, chúng nó sẽ mừng mà làm thông dịch viên không mất tiền.
Thế rồi lời hứa biến thành sự thật, cuộc công du mười lăm ngày qua Đài Loan, Nhật Bản (từ 11-9-1963 đến 26-9-1963), tôi đã thưởng thức, cũng như ai. Những điều nghe thấy, tôi sẽ thuật trong một phần khác, trong phần nầy, tôi xin kể sơ các thủ tục của chánh phủ thời đó, không tốn tiền nhưng vẫn cho máy chạy như thường lệ, muốn hiểu rằng khó hay không, cũng tuỳ, nhưng nay nghĩ lại thấy tiếc, vì khó như vậy vẫn còn dễ chịu. Và hôm nay chỉ dành cho ngọc:
Ngày thứ hai 9 tháng 9 năm 1963 - Bữa nay chạy chân không bén đất. Được giấy chánh phủ cấp cho nghỉ mười lãm ngày để viếng Đài Loan và Nhật Bản. 8 giờ sáng lên bộ Ngoại giao lãnh giấy thông hành. 9 giờ đến xin chữ ký chiếu hộ của toà đại sứ Trung Hoa. 10 giờ ghé toà đại sứ Nhựt xin phê thông hành qua viếng đất hoa anh đào trong chuyến hay trở về. 10 giờ 30 phút đến viện hối đoái xin đổi tiền nhưng chưa được vì trong hồ sơ còn thiếu vé máy bay. Chạy lại hãng Air France, thì vé còn nằm tại hãng C.A.T. Mất hết một buổi sáng. Chiều 2 giờ 30 phút đến C.A.T, thì tuy vé cho đi Đài Bắc, thủ tục đâ làm xong, nhưng ở đây hẹn ngày mai sẽ trở lại nhận và có luôn vé Đài Bắc qua Tokyo về Sài Gòn. 15 giờ xuống viện hối đoái, ở đây nhận lá đơn và hẹn mai 15 giờ sẽ cho phép đóng tiền đổi bạc.
Thứ ba 10 tháng 9 năm 1963 - Đúng 15 giờ xuống viện hối đoái đóng tiền. Xin chuyển được: 280$ S giá 74,90, là 20.580$ + 412$VN.
Cho chuyển thêm: 40 US với giá 75,50, là 29450 = 80$ VN.
(Như vậy trong đơn tôi xin chuyển 300$ US, nay bớt đi 20$ US).
Thế cũng tạm được, vững bụng vì ãn mì đã có chánh phủ Trung Hoa bao!
Duy nhớ lại khi qua tới đất Nhựt, trong túi vỏn vẹn có 320 đô la Mỹ, mời làm sao phỉ tình ao ước ở chơi một tuần, mà trong bụng thì thèm muốn đủ thứ, không chừa trận mưa rào gái Phù tang đối với lòng như đất hạn khô của đứa trai hư lỡ mùa xứ Việt: Chánh phủ lúc ấy thường dặn, trên đài phát thanh cũng như trên các báo mỗi lần xuất ngoại thần dân con cháu Rồng Tiên phải giữ thể thống và phải cư xử cho đường hoàng. Muốn đường hoàng tưởng nên cấp tiền bỏ lúc cho khá khá, để giữ thể diện, miễn đừng chợ đen chợ đỏ, là đường hoàng lẩm rồi. Khắt khe làm chi với những kẻ giàu thiện chí tội nghiệp: Tôi chỉ mê đồ xưa chớ có mê gì khác nữa đâu?
Thú tư 11 tháng 9 năm 1963 - Bữa nay là ngày lên đường, mà lúc 8 giờ còn phải xuống hãng C.A.T. lấy vé máy bay. Vừa ký xong, thấy còn chút giờ dư bèn trở lại Viện bảo tàng ký tên giấy tờ làm tròn phận sự giờ nào hay giờ nấy. 10 giờ về nhà, không dám ăn cơm no để lát nữa nhẹ bụng dễ bay, leo lên xe ca đưa lên Tân sơn Nhứt, dọc đường trời xán một đám mưa khá lớn, như gội cho thật sạch lớp bụi trần, trước khi viếng đất thiêng có nhiều chùa chiền mà mình chỉ nghe biết tiếng. 14 giờ 35 phút, máy bay cất cánh, bay một hơi thẳng thét đến phi trường Hương Cảng, thì kim đồng hồ chỉ đúng 16 giờ 50. Xuống sân bay thì may quá đã có bạn hẹn trước nên đón sẵn, chờ thủ tục khám hành lý xong rồi lên xe của nhà hàng Golden Gale đưa thẳng về khách sạn cùng một tên Golden Gale, thì nơi đây có dành sẵn một phòng thênh thang số 302, nếu phải xuất tiền túi, thì ắt không dám ở phòng nầy vì sang trọng quá có cửa sổ dòm ra đường cái, nhưng chỗ ăn chỗ ở đều do hãng Air - France đài thọ. Và muốn hư cho hư luôn, còn gì sang bằng tối hôm ấy, định xuất tiền túi đi dùng cơm tối với một bạn Pháp có nhà ở Hương Cảng, ông dắt tôi đi thưởng thức một bữa cơm Nga có hai người Nga chính cống đứng hầu bàn, cơm rồi vừa móc ví té ra ông bạn đè tay giành trả tiền, cái số “ăn cơm bá tánh” của lá tử vi là vậy!
Hôm nay nhớ và nhắc bữa cơm Nga, xuýt quên vấn đề ngọc. Kể về ngọc tôi đã thấy từ Âu sang Â, để đi đến bảy cây ngọc Như Ý của Bác vật quán Đài Bắc, thiết tương nên để cho tôi hư luôn và kể lê thê theo tánh cũ, ngọc mắt thấy từ Paris qua Istanbul, cựu đô xứ Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng rằng kể viển vông là nói cho vui, kỳ thật, muốn nói về ngọc phải nói dông dài, bàn qua bàn lại nhiều lần, nhiều thứ mới xứng với giá tiền đã xuất ra do các công tử hay vương khách từ ngàn xưa để mua lòng các hoa khôi hoặc mỹ nhân, thường chê cơm chê cá và chỉ sống bằng những cục đá gì ước nặng không bằng một cắc bạc chì mà kể về giá trị, lúc trả tiền mới thấy nặng, nặng gấp mấy trăm lần tờ giấy một ghim của nước cộng hoà hồi đó. Kể về ngọc, bà công tước Pháp A. de Noailles hạ có ba chữ “Inutiles mais irremplacbles”, muốn dịch cho sát ý đủ nghĩa, e đầu phải nổ, cái gì mà đại chi vô ích (inutiles), mais (nhưng mà) thiết yếu vô song (irremplacables), dịch mãi không trôi đành để đó, về ngọc, người nào dư ăn dư để, trước đây, đều có. Duy ngọc hữu danh, được tiếng nhắc đời, mới đáng gọi là ngọc. Ngọc của mỹ nhân đeo tay đeo cổ, khi không muốn đeo, bán ra tiền, bất quá gánh một gánh bạc Việt Nam ngày nay đổi được một hột lớn bằng vóc một đậu xanh, đã gọi là đáng giá. Nhưng nên kể là ngọc giá liên thành, xưa ngọc Biện Hoà, do Lạn Tương Như tranh đấu với Tần Thuỷ Hoàng, đem về trả vua Triệu, mới đáng gọi là ngọc.
Tức Mặc Hầu, là ngọc, tuy vẫn là một nghiên mực. Bảy cây Như Ý Đài Bắc là ngọc. Duy trên hoàn cầu, nhiều nước giàu hơn Pháp, nhưng không nước nào có nhiều ngọc có danh tiếng trong lịch sử, bằng Pháp. Nhưng nước Pháp là mất nước nhiều mâu thuẫn, và kỹ càng quá đến thành mất vẻ thật, hay là quá dè dặt, sợ quân gian nó cuỗm, hay đó là một cách tuyên truyền khéo mà tôi chưa nghĩ tới, tỷ như tại Viện bảo tàng Le Louvre, mà tôi đã viếng nhiều lần (năm 1963) ngoái một số cẩm thạch, ngọc thạch, vân thạch, miêu nhãn thạch, đó đều là ngọc thiệt, còn tại sao về các ngọc kim cương, như viên xoàn “le Régent” (Nhỉếp chánh vương), viên kim cương trước gần trên mão đế Nã phá luân, viên ngọc xoàn nạm trên chuôi kiếm đế Charles X, các ngọc ấy, tôi rõ lại, những danh ngọc thật đều nằm êm dưới hầm kiên cố của một ngân hàng dấu tên trong một hầm sâu bất khả xâm phạm, vùi dưới mấy chục thước đất (thuở binh Hitler qua không lấy được), còn những kim cương những hột xoàn chưng bày trong tủ kệ ni hành lang gọi Galerie dapollon của viện Louvre, tuy nơi bảng đề: Le Régent. La Coưronne de Napoléon, Lépée de Charles X: những quốc gia chi bảo ấy, sau tôi biết được, đều toàn là ngọc giả nhái y ngọc thật, vì Pháp sợ bày ngọc thật bị mất cấp nên đề phòng giấu thật sâu, xứng với câu Tàu: “Nhược thâm trân tàng”.
Năm 1963, trọn tháng sáu và tháng bảy, tôi ở Paris để nghiên cứu đồ cổ. Hễ ngày nào tôi không đi viếng lâu đài cổ tích vùng sông Loire, thì tôi đều có mặt tại viện Louvre, vì tôi có vẻ vào cửa khỏi tiền. Một hôm tôi được dự một cuộc triển lãm bảo ngọc của hoàng triều nước Thuỵ Điển (les pierres précieuses de la Couronne de Suède). Vua nước ấy ý muốn trưng bày bảo ngọc thận, nhưng chánh phủ Pháp và ban quản trị viện Louvre lại đề nghị tối hơn nên chưng những ngọc nhái kiểu (reproduction) và những nữ trang ký kiểu là đủ rồi, vì như vậy rủi mất cắp cũng không sao, vì theo ý viện, trong hàng quan khách đến xem triển lãm, có số muôn số vạn, nếu có quân gian hạng quốc tế trà trộn và đánh cắp thì tai hại biết mấy. Nhưng quốc vương Thuỵ Điển không đồng ý kiến ấy và sau rốt, chánh phủ Pháp phải chiều lòng, cho chưng bày bảo ngọc thận, nhưng viện Louvre phải xuất tiền đóng bảo hiểm rất cao.
Mỗi gian phòng trưng bày, phải tăng gia canh gác. Các tủ kính đều có phòng bị, kiếng bắn đạn súng lục không thủng v.v... Rốt cuộc, tôi thấy họ làm như vậy cũng một cách quảng cáo khéo cho cuộc triển lãm, chớ từ bữa khai mạc đến ngày bế mạc, không mất trộm món nào, hoặc bọn cướp quốc tế tưởng là đồ giả như mọi khi, hoặc họ chê nên không lấy. Chỉ tốn tiền bảo hiểm, và sau nầy thuế dân thêm nặng. Ai không biết đề phòng là tốt, nhưng cũng phải biết tuỳ thời tuỳ địa thế, bằng không thì sự cẩn thận kia chỉ làm thêm tốn kém cho công quỹ. Nói việc trong nước, một anh chuyên làm những mẻ to nơi đô hội có khác nhiều bọn đá cá lăn dưa chợ Cầu ông Lãnh, chợ Bà Hom: Chuyện cũ xin nhắc lại đây để suy gẫm việc đời. Tại Viện bảo tàng trong vườn bách thảo lúc tôi còn coi sóc, trong viện có nhận lãnh, do Pháp quốc giao trả, một bộ môn ngọc báu, trân châu và nữ trang thượng cổ, gọi báu vật Ốc-eo (le trésor d Oc-eo). Dưới mắt chuyên gia châu Âu đó là những vật đại quý, ngày xưa tìm được tại nơi gò Ốc-eo, thuộc vùng núi Ba Thê, tỉnh Rạch Giá, năm có giặc kỳ đệ nhị chiến tranh bên Pháp, chánh phủ Pháp chở bộ môn Ốc-eo về cất giữ bên ấy, và sau đó giặc yên rồi, chánh phủ Pháp phái cô Jeannine Auboyer, chức là nữ quản thủ Viện bảo tàng Guimet, hộ tống bộ môn Ốc-eo sang đây trả cho Viện bảo tàng Sài Gòn, có lẽ nay còn cất kỹ lưỡng tủ sắt của viện, vì không đủ phương tiện chưng bày ra ngoài. Nội vấn đề trình bày bộ môn nầy, lúc tôi còn làm ở viện, cũng là nan giải. Khi trường Viễn Đông Bác cổ còn ở Hà nội, ông Malleret viện trưởng, đề nghị và ra lịnh cho Viện bảo tàng Sài Gòn phải xin chánh phủ Nam phần chế tạo một tủ kính đủ đảm bảo, tủ bằng sắt và kính phải thật chắc thật dày, súng bắn không thủng, như vậy mới nên trưng bày, bằng không phải giấu trong tủ sắt như hiện hữu, khi nào có khách quan trọng sẽ lấy ra cho xem.
Nhưng một cái tủ như vậy, lúc ấy không ai giải quyết xong. Xin Mỹ, Mỹ không trả lời. Hỏi Pháp, Pháp cù cưa rồi nín. Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng, không ai chịu tốn tiền cho chánh phủ Miền Nam. Theo tôi, một phần cũng tại ông Malleret quá quan trọng hoá vấn đề và nhát cho chúng tôi sợ việc không thể có, tại xứ nầy.
Về báu vật Ốc-eo, người Âu Mỹ xem là quý báu, có một không hai, chớ theo tôi, hầu hết quân ăn trộm đất Sài Gòn nầy, đều chê và không màng đến đâu vì đối với họ, những vàng vụn và đá hột “lục cục lòn hòn” ấy giá trị còn thua xa các nữ trang lòe loẹt chứa nơi các tủ tiệm bán vàng Sài Gòn - Chợ Lớn nhiều. Vả lại, các vật nầy, ăn cắp ra được, biết có ai biểu biết về giá trị chăng, thêm bị bất bớ khó lòng. Ấy tâm lý của bọn giang hồ bản xứ vẫn mộc mạc như vậy, hiểu theo ông viện trường trường Bác cổ là quá đề cao bọn trộm lôcanh mà vàng bày nơi các hiệu kim hoàn Hóc Môn, Bà Điểm lại hấp dẫn hơn, mà cho đến nay họ còn chưa đánh cắp thay. Nghiên cứu kỹ lại, thì những viên ngọc Ốc-eo, thuở xưa lối thế kỷ thứ nhứt sau Gia-tô, khi tìm được thế nào thì để y như vậy mà nhận vào mặt cà rá, mặt nhẫn v.v, vẫn chưa chịu và cũng chưa biết cách trau chuốt, như giồi cạnh cho thêm chớp sáng, mài mặt tỷ như kiểu kinh đô Amsterdam (Hoà Lan) cho thêm đẹp thêm nhiều hào quang, nói tóm lại, những hột kim cương không trau giồi, những hột mã não kệch cợm Ốc-eo không có chút hấp dẫn nào đối với dân quê ta mà hòng sợ họ làm như bọn cướp quốc tế làm bên Âu, bên Mỹ. Hột sa-phia (saphir) tân thời, hột xoàn tân chế rẻ tiền, đói với Tây phương là vật bỏ đi, thế mà họ lại thích hơn.
Nhắc lại tại viện Le Louvre năm đó, tôi đã được xem mãn nhãn nào gương soi báu, chế tạo vào thế kỷ XVI, chung quanh gương có nạm những châu báu như: quart hyalin violet (tử phương tinh), améthyste violet (tử thạch anh), toàn là ngọc lạ của đời ấy. Tôi cũng thấy nơi nầy, một đấu để uống rượu làm bằng cẩm thạch, dáng lớn bằng trái dưa hấu bực trung, bổ hai ra và móc ruột sạch, ngoài chạm gân nổi, trong chạm ruột dưa còn sói lại, màu hồng hồng như dưa thiệt, thêm có gân xanh xanh của ngọc khi ẩn khi hiện ở ngoài, nghe nói cái đấu nầy là của dòng Capet truyền tử lưu tôn đã nhiều đời, xuống đến vua Louis XVI, bị cách mạng lôi lên chém đầu trên đoạn đầu đài năm 1793 mà đấu ngọc không mất. Chiếc đấu ngọc vô giá còn được an toàn cho đến nay, và buổi tôi thấy năm 1963, còn khoe sắc đẹp óng ánh màu ngọc trong tủ quý của Galerie d apollon nầy, ai dám nói vật cũng như người, há lại không có hồn và có số kiếp như nhau. Đền đài thuở ấy bị đốt phá, của cải trong cung điện bị phát mãi, ông hoàng bà chúa bị giết, cách mạng năm 1789 bên Pháp trả giá bằng bao nhiêu xương máu, thế mà đấu ngọc còn tồn tại. Ngày nay người Pháp đã tỉnh ngộ, thì bao nhiêu quốc bảo đều chạy sang nước hiếu cổ là Anh quốc, nay tiếc đã muộn, nhưng gương ấy sao ta vẫn hờ hững xem thường? Tức Mặc Hầu là Bảy cây ngọc Như Ý, đã vuột khỏi tay ta, thật uổng. Nội cái hành lang Galerie d apollon nầy cũng đủ là một kỳ quan, các nước khác không đâu có: Giàu như nước Mỹ, sang như nước Anh, cũng không có một pho kiến trúc cân xứng và tuyệt mỹ như hành lang nầy. Khảo theo sách, thấy nói phòng đo được 60,39 mét bề dọc, 9,40 mét bề ngang và cao đến 11 mét, mạ vàng lộng lẫy trong phòng thênh thang trống rộng, không có một cây cột nào làm vướng mắt, muôn vàn ánh sáng chiếu vào, thiệt là vừa khéo vừa sang vô cùng. Sách nói phòng nầy dựng lên từ đời vua Henri IV, đến năm 1661 bị hoả hoạn cháy hư, qua trào vua Louis XIV, giao cho kiến trúc sư Lebrun kiến thiết lại như cũ.
Năm ấy tôi xem hết gần đủ các châu ngọc của các cựu hoàng nước Pháp, rồi ngày 18-6-1963 đáp tàu hoả sang viếng Viện bảo tàng Le Cinquanlenaire ở kinh đô nước Bỉ là Bruxelles, ngày 27-6 đáp tàu bay qua viếng xứ Thổ Nhĩ Kỳ nơi thành Constantinople nay đổi tên mới là Istanbul Đây là nơi phát tích văn minh Byzance, có từ năm 330 sau Tây lịch đến năm 1461 thì ngã đổ, phế hưng mấy độ, suy vong nhưng chưa tàn. Thành Istanbul ngày nay còn nhiều toà kiến trúc đẹp và sang không đâu có, vách cung điện toàn bằng đá hoa (marbre) khéo như gấm dệt, mỗi lần phiến đá đậu bông giống nhau như tranh vẽ, và vẫn làu làu thi đua cùng tuế nguyệt trêu gan. Cung điện Huế tuy vẫn khéo, nhưng bằng gỗ, tuổi có hạn, sáu bảy trăm năm là mục nái nát không biết bảo tồn, duy cung điện như Istanbul nầy, toàn bằng đá, thật là thiên niên trường cửu. Về ngọc tôi thấy nơi đây phần nhiều là những ống bằng hổ phách (ambre) dài đến cả gang tay. Nước bóng ngời vàng sậm và trong vứt, những ống ấy là chuôi ống điếu theo kiểu chuối đót hút thuốc lào bên ta, và đó là chuôi điếu của các hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đời trước sưu tập lại. Thuở nay, sách Trung Hoa dạy rằng mủ nhựa cây tùng chữ gọi “bạch tông chỉ”, khi mủ ở thân cây tiết ra, còn mới, thì trị được những bệnh đường tiểu (bạch trượt, lậu mủ), hoặc dùng thoa vào cung đàn nhị đàn vĩ cầm cho rít cho kêu, mủ nhựa ấy khi nào tích tụ dưới đất được một trăm năm thì hoá ra phục linh là một vị thuốc đắt tiền và khó kiếm và khi mủ được một ngàn năm thì ra ngọc hổ phách. Hổ phách vào lửa, lâu cháy, cứng nhưng giòn, nước ta có hổ phách nhưng nhỏ chột, chỉ làm bông tai, núi áo và chuỗi hạt là cùng, đời đàng cựu có nhiều và nay đã biến mất duy xứ Thổ Nhĩ Kỳ còn khá nhiều, nhất là những hổ phách cổ của vua chúa thì lớn và đẹp không đâu bì. Thổ Nhĩ Kỳ là nước sản xuất cây thầu làm ra á phiện, và nội cái cách họ hút thuốc cũng khác hơn nhiều giống dân trên trái đất. Narguilc hay Narghileh là một thứ ống điếu của dân nầy bày ra, dưới có một bầu chứa nước thơm để lọc khói thuốc cho bớt chất nhựa, bầu thường lấy bầu bằng sứ Tàu quý để tạo cho thêm sang, và bầu có một cái cần co giãn được hình như một con rắn co ngón tay cái, nơi chót cần có tháp cái chuôi ngọc để kéo hơi thuốc cho thêm sang. Nhắm cho thuở cựu trào bên xứ ta, có mấy cụ thượng, mấy quan huyện quan phủ, khi hút thuốc có thằng điếu đảy châm thuốc, mồi thuốc, têm trầu và dâng cái ống nhổ cho quan phóng phẹt nhổ nước miếng dơ vào, như vậy tưởng cũng đủ sang “cái sang khiến mất nước”, nhưng cái sang lỗi thời ấy chỉ được năm phần, chớ mấy ông vua cổ thời xứ Thổ Nhĩ Kỳ, xét theo di tích để lại mới là sang gấp mười, có cung phi mỹ nữ đấm bóp, khi xơi thuốc, có quan cận thần châm lửa, và vua Thổ chỉ nằm dài trên sập ngự rộng thênh thang, hút narguilé trầm ngâm, thiệt là “ngoạ triều”? Tại Istanbul, trong một buổi thần tiên ấy, tôi được viếng cố cung của các vua Hồi giáo nầy, thấy tận mắt chiếc võng ngự Thổ chúa, không phái bằng dây tơ điều buộc chỉ ngũ sắc, như bên ta, nhưng đó là một chiếc nôi toàn vàng đỏ hực, lớn bằng hai cái ghế bành tượng “Thái sử y” của Tàu, trong có lót nệm êm ái và hai bên, mặt trong như mặt ngoài, đều nạm cả mấy ngàn hột ngọc nhỏ quý giá, đủ màu sắc. Chiếc võng ấy treo trên một cái giá vững chắc, cũng bằng kim khí và hai sợi lòi tói treo võng cũng bằng vàng nốt, ước sức cân ắt nặng trên trăm kílô (ngày nay võng ấy có còn chăng?). Nhưng lạ mất nhứt, là thâm cung, chỗ các phi tần ở cung nầy, nền lót toàn vân thạch (marbre) trong, trên mặt đá chạm hình mây nổi tản vân, nhưng lạ thay, ngày nay nền đá cứng ấy, chỗ mòn chỗ khuyết, có chỗ lỳ lệt đến trôi mất các lần chạm sâu cả năm sáu ly Tây, bây giờ mặt bằng phẳng trơn láng như mặt ván gõ bên ta, nhứt là nơi bệ cửa bước ra bước vào, thì thật là mòn lẵng mòn lì, không còn thấy một nét chạm nào nữa, hỏi người dẫn đạo thì mới rõ đó là tại cung phi từ đời nầy qua đời nọ, gót kim liên bộ bộ, mà dẫu cho đá cứng cũng phái mòn. Bàn chân của Từ Đạm được nhắc đời bằng câu “khen cho đá cũng bền gan thật”, nhưng gót sen của cung phi nước Thổ Nhĩ Kỳ đời trước, nào có thua, mà mấy có thơ. Chưn cẳng đàn bà độc địa đến thế, thiệt là: “Khuynh thành nhất tiếu môi son, kim liên bộ bộ ăn mòn đá xanh”. Nhưng mục đích của tôi không phải đến đây để xem chân em cẳng gái Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đến đây, quyết thâu thập vào tầm mắt những bóng vang châu ngọc, những dư ánh của bảo vật xứ đàn bà che mắt một “ngàn lẻ một đêm”.
Tại Viện bảo tàng vang danh khắp hoàn cầu là nơi chứa đồ céladon (gốm men ngọc), Pháp gọi Museé du Topkapi (vốn là nhà trù, bếp của vua Thổ đời trước) nay vẫn giữ y như cũ, vách gạch để trần, không phong tô, tuy vậy mà em rất mỹ thuật, vì viên gạch vuông phương, lằn chỉ hồ ngay ngắn, chỗ nào cũng đều đều như nhau, cũng chữ “công” như nhau, trông rất ngộ nghĩnh. Trên đỉnh cao chót vót, ngay trung tâm, có chừa một lỗ trống, xưa cho khói bay ra, nay để vậy cho thêm ánh sáng, thấy trống phọc một lỗ tròn và lớn, kinh tâm độ có mấy thước bề rộng mà vì sao hôm tôi ở đó, trời mưa thật lớn, mà không có một hột mưa nào lọt vào trong, nghĩ mãi không ra. Viện Topkapi chứa gốm men ngọc nhiều đến số muôn, gốm đời Tống, đời Nguyên, đời Minh có đủ, luôn cả đồ sứ đời Thanh đến Kiền Long, nhưng cách trình bày đáng cải cách lại, vì gốm nhiều quá và họ không khứng loại ra bớt, treo tất cả lên trên vách, lên đến tận chót vót trên cao, khiến cho khi xem, mảng ngước mất xem mãi giờ nầy qua giờ kia, khách đến chơi, vừa mỏi cổ vừa chán ngán, ra về người nào cũng vướng một bệnh chung là chóng mặt nhức đầu, đi xem Viện bảo tàng mà như vậy thì còn thú chỗ nào?
Nói về ngọc ngà châu báu của vua Thổ xưa, thì ở đây nhiều đến ngợp thở. Trong tủ sấp hàng dài, ngọc thôi là ngọc: ngọc bản xứ như hổ phách saphir, ngọc xứ lạ cống sứ vào đây, bạch ngọc, bích ngọc, hồng ngọc, đủ màu đủ thức quả là đúng câu “kim ngọc mãn đường”.
Tôi không dám kéo dài câu chuyện Tây du và xin tóm tắt là tôi đã xem đầy mắt những cổ ngọc và báu vật các nước bên trời trây, rồi cách mấy tháng sau tôi được qua viếng Đài Bắc theo đường Hương Cảng, để rồi kế đó viếng thăm châu ngọc đất Phù Tang.
Trong các xứ đã trải qua, phải nhìn nhận “cảng thơm” (Kongkong) mới thật là thị trường quốc tế về ngọc thạch và cẩm thạch. Tôi nói bắt quàng làm vậy, không phải lạc đề đâu. Quả tại chợ bán ngọc ở Hồng kông, trong đêm 11-9-1963, tôi viếng nhiều hiệu buôn ngọc, có nhà treo bảng Trung Hoa dân quốc bán ngọc, kể về số lượng thì nhiều thật, nhưng kể về giá trị, thì rất tầm thường, nhưng ngang nhà nầy, cùng một con đường, có một hàng lớn, chủ nhân là người đạo Hồi, bán giá phải chăng và suốt một dãy phố dài, nhà nào cũng chưng dọn rất sang, nhưng ngọc họ bày đều tầm thường, loại ngọc mới, duy nơi một hiệu lớn có treo cờ đỏ sao vàng thì ngọc ở đây có phần dễ chịu hơn ngọc đã thấy ở các nhà con cháu ông Tưởng.
Hương Cảng là một đô hội quốc tế nên không lạ gì, cùng một con đường hai dãy phố mà hai nhà đối diện treo hai cây cờ khác nhau, một quốc gia, một hồng kỳ có đủ sao vàng và lưỡi liềm cây búa. Nhà treo cờ đỏ mới thật là nhà buôn ngọc danh bất hư truyền.
Tôi đứng trong nhà nầy mà khiến tần ngần nghĩ ngợi xa gần. Tôi nhớ lại năm trước đây, hồi ông Ngô đang lên như diều gặp gió, một hôm trên dinh kêu dây nói lại Viện bảo tàng đòi tôi gập, lên giảo nghiệm ngọc của bà cố vấn mua từ Hương Cảng nầy đem về. Có tám con ngựa bằng ngọc thạch xinh tốt, có ly rượu bằng ngọc lưu ly trong vắt, có sư tử bằng hổ phách đỏ bầm có đấu rượu bằng hồng mã não, các món nầy đã quá quen với tôi, khi tôi nhìn qua một loạt thì đã biết rồi, nhưng tôi giả bộ lừng khừng và thối lạc rằng tôi chỉ chuyên về đồ sành cũ và đồ sứ men lam Huế, không dám xen qua nghề biết ngọc. Cũng vì bộ tịch tôi hôm ẩy khó thương, cho nên có trục trặc khi có giấy Toà đại sứ Trung Hoa đề nghị cho tôi công du Đài Bắc, có người sau đó trách tôi quả là ngu dại nên không biết hôm ấy cầu thân với bà cố, nhưng ít ngày sau, khi dinh bị hoả tiễn đốt cháy một góc, các ngọc kia một mớ cũng cháy theo và chảy ra thành hai cục, nó là ngọc giả, khi ấy trên dính mới cho rằng tôi là thiệt thà, có học mà ít nói, và nhờ có người nhắc khéo việc ấy, mà cuộc sang viếng Đài Bắc được trơn tru. Nay chủ nhân nhà nầy, đứng trước tôi đây, là người theo chủ nghĩa vô sản, nhưng tại sao lại lựa nghề buôn ngọc, ngày thường chỉ giao thiệp với hạng có tiền và thuộc hữu sản. Nhưng trước khi bước vào nhà, ông bạn của tôi đã giới thiệu tôi đi viếng Nhật Bản và không nói tôi qua đất Tưởng thống chế. Chủ nhân niềm nở lấy ngọc trong tủ ra cho tôi xem, ngọc nào tôi cũng ưng ý và cũng ham. Sau khi ở đây ra về, ông bạn tôi cắt nghĩa lý lịch của ngọc nhà ấy, thì toàn là ngọc cổ hoặc của cung viện Mãn Thanh cũ, hoặc của các phú hộ trên lục địa Trung Quốc, khi đổi chủ nghĩa, thì ôm hết về Cảng Thơm và bán lại nhà nầy. Hèn chi ngọc không cổ hơn và tinh luyện hơn ngọc nhà bên kia, vì ngọc tiệm Cộng Hoà Dân Quốc bên kia đường là ngọc tân, do các nhà chuyên môn ở Hương Cảng mua cẩm thạch nguyên khối ở Tân Cương, Miến Điện đem về chế tạo ra mới nên chưa lạc tinh, còn ngọc nhà bên nầy như đã nói, hiệu cờ đỏ, là ngọc xưa, ngọc cổ nên quý và lạc tinh (patiné) đã nhiều. (Nhưng cũng nhiều tiền, mắc giá hơn).
Trong lúc tôi lựa chọn, tôi để ý thấy chủ nhân cố đứng áng không cho tôi xem vài món ngọc còn để trong tủ sâu. Tôi lại càng tò mò và đòi xem các món kia. Chủ nhân cười xã giao và nói tỉnh bơ: “Thấy tiên sinh thành thạo nên không muốn cho xem. Nó là cổ ngọc, và tôi cần bán những ngọc nầy trước”. Té ra chủ nhân cũng còn giữ tánh của buôn hữu sản; bán ngọc non tuổi cho người mới biết chơi ngọc, và chừa ngọc tốt để chờ người mắt xanh và mài dao bén để thiến ví tiền của bọn si mê cổ ngọc. Một số lớn ngọc thạch bày nơi đây đều cổ, và món nào cũng đề giá rất cao, mắc gấp mười, ngọc nơi nhà bên kia đường, tỷ dụ một con tước nhỏ, bên kia đề giá 200 đô la, thì nhà nầy ghi giá đến 2.000 đô la, nhớ lại trong túi vỏn vẹn có 320 đô la cho nên tôi nào dám rớ, hỏi giá cho biết vậy thôi. Khi từ giã bước ra cửa, tôi có quan niệm tốt, rằng ngọc đẹp ngọc xinh ngọc thật, vẫn còn khá nhiều, nhưng nếu muốn mua thì phải có mắt và có tiền khá rộng. Đánh một vòng gần khắp các hiệu buôn châu báu ở Đài Bắc, quan niệm ấy còn mạnh thêm lên, vì trong nhiều hiệu tôi viếng ở đất ông Tưởng sau nầy, nhà nào cũng chứa lũ khú gần đầy tủ kính có nhiều ngăn kéo, ngọc đủ màu và đủ cỡ. Tôi định chừng lúc có lịnh rời lục địa chạy qua đây, vàng lá, nữ trang và ngọc thạch là những món dễ đem theo nhứt, và họ đã vét gần sạch sành sanh của báu nơi Trung Hoa đất liền kia rồi.
Đến đây, độc giả đã có một cảm tưởng về ngọc vậy tôi xin nói qua bảy cây ngọc Như Ý của Bác vật quán Đài Bắc. Khi tôi qua tới Đài Bấc, thì tôi mới thấy thấm đòn thấm mệt, cũng vì tánh ham nghe ham thấy thật nhiều, quên rằng sức người có hạn, lúc ở Hương Cảng, chỉ có hai ngày mà tôi làm việc ví bằng một người siêng ở đó làm cả tuần hay mươi bữa, thêm khi qua tới kinh đô cù lao Đài Loan thì tôi bắt lay làm việc không ngừng cũng không kịp thở, đêm ít ngủ vì còn ghi chép không thôi, một điều khác nữa làm cho mau nhừ, là qua đây việc ẩm thực “ăn theo kiểu mấy kính xàng, dầu mỡ nhiều quá” tôi không đau ốm đã là quá may.
Để bù trừ, con mắt tôi quả chứa đầy bóng dáng những báu vật của nước Trung Hoa đã mấy ngàn năm tích trữ từ đời Thương đời châu đến các vua đời Thanh, và một việc may hy hữu, là lúc bại binh chạy được về đây lại khiến châu ngọc đã không còn ở Bắc Kinh. Khi đạo binh ông Tưởng tách rời lục địa, thì ngọc không có “ở nhà” và đã ra khỏi xứ, nhờ vậy nên không mất ấy cũng là một mảy may hy hữu. Số là mấy chục năm về trước Trung Hoa cần dùng tiền và muốn hỏi vay Anh quốc, nên lúc ấy, các báu vật của Thanh đế để lại, được đưa qua nước Hồng mao vừa định làm vật thế chưn đảm bảo số tiền vay, vừa triển lãm cho dân chúng Tây phương thưởng thức châu ngọc và báu vật nước Tàu. Không ngờ, sau đó việc vay tiền bất thành, nước Anh khi ấy mới đề nghị và hộ tống báu vật Tàu đưa sang Mỹ quốc. Giữa lúc ấy thì Tưởng bại binh chạy ra Đài Loan. Nhờ đi vòng do Anh Mỹ làm vậy, tôi cho là trời khiến, cho nên khi mất nước thì ngọc chạy vuột nên không mất. Sau đó, Mỹ trả ngọc về cho Đài Loan. Ngày nay thì ngọc được trưng bày cho công chúng xem tại Đài Bắc, chớ năm 1963, khi tôi qua đó, thì ngọc hãy còn trốn kín trong bụng núi ở Đài Trung. Lúc ông Diệm qua bên đó, theo lời ở đây nói lại, thì ông chỉ được xem những món báu bày trong tủ ké của toà Bác vật quán Đài Bắc mà thôi. Duy tôi hân hạnh và được biệt đãi theo hàng chuyên gia, vì tôi là khách riêng của ông Phó Tổng thống Trần Thành. Nhờ vậy mà khi tôi đến Đài Loan, một hôm tôi được đưa đến Đài Trung bằng tàu hoả, và được mở kho đặc biệt trữ ngọc trong hang núi, lấy ra cho tôi xem từng món một, tuỳ nơi tôi yêu cầu từ ngọc cổ đời Thương - Châu - Tần - Hán, đến đồ gốm men ngọc (céladon) đời Tống, có chạm thi ngự chế dưới đáy, ngự bút vua Kiền Long đời Thanh, khiến tôi suốt mấy ngày ngoạn du đất Đài Loan, bóng ngọc lảng vảng trang trí và trong con mắt chưa quên, không biết mình hưởng một giấc mơ thần tiên, hay sống thật, ngày nay nghĩ lại, còn luyến tiếc và mừng cho duyên may một thuở. Chuyến về vừa ghé Bác vật quán, chưa kịp tẩy trần, ông quán trường là ông Bao Tôn Bành (nay đã ra người thiên cổ), ông cầm tôi nán lạỉ để ông cho xem riêng, bảy cây ngọc lạ. Và không biết ông định thử sức mình hay sao, nên ông lấy ngọc cho xem mà trước khi, không cho xem thẻ lý lịch. Ông chờ cho nhơn viên ra về hết khi ấy ông mới lấy trong tủ sắt lớn ra bảy cây Như Ý, sấp đầy một mặt bàn. Mỗi cây ngọc đều đựng trong một hộp gỗ chạm khéo. Khi mở nắp hộp ra, tôi thấy choa mắt và tim bỗng đập mạnh, vì tôi chưa hao giờ thấy một số ngọc nhiều, to lớn và quý đến bực nầy. Môi cây đều có một vẻ sang riêng biệt không khác tôi đứng trước mắt bảy nàng hoa khôi bảy nước, mà nàng nào cũng thiên kiều bá mị không thua kém một ai.
Ngọc thứ nhứt là một cây Như Ý nguyên khối, toàn một màu trắng ngà, danh từ chuyên môn gọi tuồng như mỡ trừu, Pháp viết Jou- I jade, graisse de mouton, có lẽ dịch ngay trong từ ngữ Hoa: “Như Ý bạch ngọc dương ch”, nhưng “dương” Pháp gọi là “mouton” tức con cừu, sao mình dịch là dê, cũng lạ thật. Cán cây Như Ý nầy để nguyên vóc ngọc, cong cong queo queo, không sửa lại ngay, vì sửa ngay, mất nhiều ngọc quý, duy nét chạm thật tinh vi, chỗ khác chỉ cạo gọt sơ mà chỉ tô điểm thêm chút ít, tuỳ hòn ngọc lồi lõm, ngọc muốn trổ hình thì giữ y như vậy, nhưng lạ thay cho nét thần của Tạo hoá, rõ ràng như hình tiên đứng trên mây tản vân, thật là trời khéo chiều ý người, vừa thiên tạo, cũng vừa nhơn tạo, đôi bên tương trợ và giúp ý nhau, nhưng phải nói, nhờ người thợ khéo tay, nên đã không mất chất ngọc mà món đồ thêm tôn thêm xứng đáng. Cái câu “ngọc bất trác, bất thành khí”, đến đây tôi mới hiểu là gì. Và không biết xưa ông tiên ông thánh hay ông vua nào được cầm ngọc Như Ý nầy trên tay, sướng quá!
Cây ngọc thứ hai, đẹp trội hơn nữa vì nhiều màu hơn, và đây là ngọc mã não bám khói đèn, (agate fumée), tôi không biết danh từ chuyên môn Trung Hoa gọi làm sao, vì chưa thấy tả trong sách. Cây Như Ý nầy gồm một khúc toàn trắng và trong khe, màu như bánh xu-xoa, và có chỗ có vân đều đều, y như có bàn tay thợ khéo nào lấy thước kẻ từ nhiều đường song hành thẳng bon và rất đậm nét, rất sắc sảo, còn chỗ khác lại nạm đen y như có khói đèn bám vào, làm cho ngọc thêm có vẻ kỳ diệu lạ lùng, khi mới thấy tôi có cảm tưởng đó không phải là ngọc, mà là bột bán làm xuxoa pha da lợn, trong Nam gọi bánh da lợn, của người thợ thức khuya nên làm bánh vấy khói đèn. Xét ra tuy mã não (agate) vẫn quý, vẫn thuộc loại ngọc, nhưng không quý bằng cẩm thạch (jade). Dịch jade là cẩm thạch là lầm, tưởng nên dịch ngọc thạch, đúng hơn: và chừa danh từ “cẩm thạch” để dịch chữ “marbre”, vì cẩm là gấm. Marbre có vân như gấm, còn jade mới là ngọc thạch (đá ngọc).
- Cây ngọc Như Ý thứ ba, thì màu hường xen màu đỏ huyết (quarlz rose avec traces couleur de sang), cây nầy cổ quái không thể tả. Theo Pháp - Việt từ điển Đào Duy Anh, thì quartz chia ra nhiều màu và có tên vẫn khác, tỷ như:
- quartz: thạch anh (khoáng);
- quartz blanc: khuê thạch;
- quartz hyalin: phương tinh;
- quartz hyalin violet: tử phương tinh: (tử là tía) v.v...
Quartz thuộc loại ngọc, vẫn quý; nhưng đối với người Hoa người Việt, chúng ta không trọng bằng ngọc thạch (jade), vì jade, trong khe tuyệt đẹp, làm nữ trang, thêm sang trọng, còn quartz, thì thường lợn cợn, màu sắc đẹp, để nguyên khối tạc tượng thì xinh, nhưng lấy quartz làm nữ trang thì hỏng, vì cưa chạm quartz thì nó tách rời, mất giá trị. Quartz rose, ở Sài Gòn, trước đây, vẫn có bày bán, vì từ Hương Cảng đem về. Giá nơi hơn ngọc thạch.
Cây ngọc Như Ý thử tư, là ngọc thạch màu bí đao (joui jade blanc de melon) loại nầy trắng pha thanh lục, cũng một loại với ngọc thạch mỡ trừu, nhưng giá kém hơn; nhưng có người lại thích, vì màu trong suối, tinh anh, khả ái.
- Cây ngọc Như Ý thứ năm, màu vàng đục, trổ lốm đốm đen đen. Nhìn kỹ, đây là mã não, chớ không phải ngọc thạch. Người Pháp khi gọi agate, khi gọi comaline. Mã não trắng, thì tầm thường. Mã não đỏ là hồng mã não có giá trị hơn.
Cây Như Ý thứ sáu và cây Như Ý thứ bảy, hình cong queo, không giống năm cây Như Ý trước, nhưng vẻ xinh không kém.
Tôi chăm chú định nhãn, nhìn thật kỹ, thấy mỗi cây, làm bằng ba khúc ngọc ráp lại coi như liền, nhưng có mộng khéo và có lỗ mộng nơi đầu kia vừa vặn, ba khúc ráp lại nhau, người nào không để ý tưởng là ngọc liền, hai cây Như Ý nầy tỏ ra người thợ nào chế tác ra nó, mới quả là một xảo công kỳ thú, có mắt biết xem ngọc và lợi dụng khai thác từng tiểu tiết của ngọc, cây Như Ý thứ bảy, có một khúc cong, quá đỗi cong, nếu để y như vậy thì xem không đẹp, người thợ khi xưa bèn tách ra làm thành một miếng “hồi văn liên hoàn” dính tòn ten vào cây Như Ý bằng một sợi dây xích cung do ngọc ấy làm ra, y như miếng lèo dải treo, thiệt là xảo thủ và có con mắt tinh đời.
Qua lúc khớp sợ buổi ban sơ mới tiếp xúc với ngọc lạ lần đầu, sau đó tôi hoàn hồn tỉnh táo lại, tôi định thần và nhìn kỹ, trong khi ấy tôi tiếp lục mân mê bảy cây Như Ý liền tay, vì biết rằng vật nầy gặp đây và cầm trên tay đây, cho đến chết không gặp lại nữa, tôi nhìn kỹ từng cây Như Ý khi ấy tôi mới rõ, có cây thì liền lạc nguyên khối, mà cũng có cây hoặc hai khúc hoặc ba khúc ráp nối lại nhau, nhờ mộng ghép thật khéo, lỗ mộng và chốt mộng vừa vặn khít khao, không hở một sợi tóc, người xưa đục mộng rồi thả vô nước, nếu nước chui vô lọt bên trong, thì chưa lành nghề, nếu không nghe dặn trước và không để ý, thì không biết đó là ngọc ráp nối, tôi càng nhìn càng thầm phục tài trác ngọc của thợ Trung Hoa, quả không bỏ sót một tánh ngọc nhỏ nào mà không khai thác tận lực tận mỹ. Từ sáu khúc ngọc vô dụng vì bời rời, người thợ nầy đã biến được hai cây ngọc, cũng đồng một cỡ với năm cây ngọc liền kia, cỡ ba tấc ba tấc ngoài bề dài (lúc ấy bất cặp tôi quên đo), và chính nhờ hai cây ngọc Như Ý ráp nầy, mà tôi truy nguyên ra manh mối bảy cây ngọc của Bác vật quán Đài Bắc. Nói chí đáng cũng nhờ vịn theo lời nói của cố tiên sinh Bao Tôn Bành và nhờ lanh trí một phần nào, chớ học trong sách không có.
Tôi đang mân mê một cây Như Ý, bỗng vị quán trưởng Bác vật quán Đài Bấc mở hơi:
- Ngọc nầy phải của quý quốc không, vương tiên sinh ạ. Đố ông biết ngọc thuộc đời nào và do xứ nào chế tạo! Và xuất xứ của ngọc nầy, từ đâu đem đến?
Câu hỏi dồn dập, ông Bao Tôn Bành (Ignatus Pao) là quán trưởng Bác vật quán Đài Bắc, hỏi một cách khoan thai, và cũng hiền lành như ông là người tôi mới quen chưa được một tuần mà đã tri kỷ như người tam sanh hữu hạnh mới gặp như vầy. Ông Bao Tôn Bành, nay đã mất, nhưng hôm đó ông có dè đâu câu hỏi thật thà của ông có thể làm cho tôi chết trước ông, tức thì lúc đó. Trả lời làm sao. Nếu câu đáp sai trật, không đúng, thì chi cho khỏi ông Bao cười nhạo, ông không cười, người khác biết được thì cũng còn chi tên tuổi của mình, dầu chi cũng là quản thủ một Viện bảo tàng của một lân bang có văn hiến lâu đời, thêm bấy lâu mình vẫn mang tiếng là tay chơi đồ cổ khá lành nghề về ngọc và đồ sứ men lam.
Trong lúc thình lình bị vấn nạn làm vây, tôi mới rõ giá trị câu “danh chánh ngôn thuận” và tôi muốn chôn phứt cái danh hão bất xứng, có tiếng mà không có miếng “Quản thủ Viện bảo tàng Sài Gòn”, cũng không nhận cái chức “Bác luật quản trưởng” mà một đôi khi đã có bạn ở đây mến tặng một cách trịnh trọng. Nếu phải cho mình tự do chọn lựa và tự do xưng tên thì xưa “một tên bán quán” cũng đủ như vậy mà ít nhục, tuy vẫn biết thuở nay mình chưa là nghiệp chủ một quán nào (cái quán hủ tíu mang tên bà xã trong Chợ Lớn thật là oan, vì y làm công đứng bán và nay cũng đã ra rìa).
Tôi không vội trả lời gấp, vẫn ung dung lấy ngọc xem thật kỹ từ cây số 1 đến cây số 7 xem rồi chậm rãi trả lời:
- Thưa Bao tiên sinh, ngọc nầy bên tệ quốc ngày xưa chưa có thợ khéo làm nổi như vầy được.
Câu giục hoãn cầu mưu của tôi không dè hiệu nghiệm như thần vừa làm mũi họ Bao thở phồng, vì được khen gián tiếp thợ Tàu giỏi, vừa làm bật mí chuyện tôi muốn biết. Tôi nói tiếp:
- Thưa Bao tiên sinh, tôi định cho các bảo vật nầy, phải có tay xảo thủ bên quý quốc, tôi định cho bảo vật khéo như vầy, ắt làm dưới triều đức Kiền Long nhà Mãn Thanh, mới được toàn hảo như vậy.
Tôi vừa nói chưa hết lời, ông Bao nhe răng cười, đôi mắt hí lại, và thú thật:
- Quả Vương tiên sinh có con mắt ngọc: trong thẻ lý lịch, bảy cây Như Ý nầy chế tạo vào đời Thanh Cao Tôn (Kiền Long). Trúng một phần rồi đó, tiên sinh nói tiếp nữa đi.
Tôi lần lượt lấy ngọc ra nhìn, qua cây thứ sáu và cây thứ bảy, tôi thấy màu trắng vân đỏ vân hường, khúc trong khúc đục xen nhau, tôi bỗng mừng như bắt được vàng, tôi mạnh dạn nói tiếp:
- Về căn nguyên gốc tích bảy cây ngọc nầy, quan trọng lắm, xin Bao tiên sinh nhớ giùm, khi tôi về nước, tiên sinh chụp ảnh cho tôi xin một bộ ảnh bảy cây ngọc nầy, làm kỷ niệm đánh dấu buổi Đông du nầy.
Ông Bao gật đầu ưng chịu (và sau quả giữ y như lời). Tôi nói tiếp:
- Ngọc nầy tôi chắc gốc gác ở biển Nam. Như hai cây nầy quả là san hô. Cũng thì san hô, nhưng vẫn có nhiều thứ. Các biển phần nhiều đều có, nhưng xấu tối khác nhau. Có loại san hô tầm thường, thì chỉ là chất vôi đá của loài sinh vật nhỏ tụ hội lại và kết lại thành giề, đóng vào gành đá, hoặc biến thành cù lao lố rạn, thuyền bè đi biển, rấn vào là nguy hiểm vô cùng. Nhưng Bao tiên sinh xem đây, hai cây nầy màu đỏ xen màu trắng, san hô trắng vả chăng khó kiếm lắm, được cỡ lớn và đẹp như vầy, nước tôi ngày nay cũng tìm không ra, và ngọc nầy, không phải đá đâu, tôi nhấn mạnh một lần nữa, ngọc nầy, cũng như năm cây kia là bảy cây Như Ý cả thảy, tôi định chắc xưa của nước Chiêm Thành, đã mấy chục đời tìm tòi và góp nhóp lâu lắm mới được toàn xinh tốt như vầy, rồi đem cống sứ cho vua chúng tôi.., sau đó, dưới đời Đức Kiền Long, có một ông vua bất tài là Lê Chiêu Thống đánh không lại vua nhà Tây Sơn, bèn chạy trốn qua bên quý quốc, lại dùng bảo vật của nước, còn nguyên khối, lấy đó làm lễ vật, dâng đức Kiền Long, xin bỉnh viện trợ, trống mái quyết tử chiến với Tây Sơn, nhưng kế bất thành, thân luỵ bên quý quốc. Thanh Cao Tôn có sáng kiến, sai thợ khéo chế ra bảy cây ngọc Như Ý nầy. Như Ý là gì? Sách Pháp, quá vật chất, dạy rằng đó là cây xưa dùng để gãi khều sau lưng, khi tay người với không tới. Sau đó biến thể ra vật tượng trưng cho hiệu lịnh, như cây gậy lịnh của Thống chế võ tướng. Nhưng người Á Đông do Trung Hoa khởi đầu, nghĩ ra lấy nấm linh chi là linh vật của Tiên Phật, ăn linh chi sẽ được trường sinh bất tử, và lấy hình nấm linh chi là hình cây Như Ý, cho nên cong queo không nệ, để tượng trưng sự thiêng liêng, sự thần thông quảng đại của Phật, của Lão tử, của ông Thọ lão, và biến thể mãi hoá ra cây Như Ý của nhà tu hành và cây hốt của quan lại lớp xưa, bên quý quốc cũng như bên tệ quốc. Ấy chết! Tôi đã Ban môn lộng phủ, dám nói điển Trung Hoa với Bao tiên sinh, xin tha thứ. Như vậy, tóm lại, ngọc là ngọc nước Nam, nhưng công chế tạo là kỳ công của người quý quốc Bao tiên sỉnh có ý kiến thế nào?

Đến đây, ông Bao Tôn Bành không trả lời, cười mỉm chi dáng rất bằng lòng, thong thả thu xếp bảy cây ngọc vào tủ, viện cớ đã trễ giờ và mời tôi cùng đi với ông đi nhập tiệc. Đây cũng là một buổi áp chót, thấy mặt ông bạn tốt xứ Đài Loan. Ông người phốp pháp rất chắc người, thêm tuổi trẻ, vừa hơn năm chục, dè đâu không thọ. Có gặp nhau nữa chăng, hoạ là trong giấc chiêm bao.
Tôi về xứ, gãp biến cuộc, ông Diệm bị lật đổ, tướng Khánh lên, rồi vài tháng sau tôi cũng ra ma. Một nghiên Tức Mặc Hầu, còn lưu vong, đã quá lâu rồi, cũng bặt tin khó tìm lại được. Bảy cây ngọc Như Ý nay đã về tay khác, chuyện vu vơ không đủ bằng cớ, biết lươn thuở nào lại bất đàng đuôi?

(Viết ngày 10-3-1973, chép lại đây ngày 10-6-1978)